Liêm chính doanh nghiệp

Hoàn thiện khung pháp lý về vấn đề tham nhũng đối với khối doanh nghiệp ngoài Nhà nước

image_pdfimage_print

Hội thảo tham vấn doanh nghiệp về Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)  

Ngày 12/7/2018 tại Hà Nội, Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT) – Cơ quan đầu mối quốc gia của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) tại Việt Nam và Nhóm Công tác Quản trị và Liêm chính – Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đã tổ chức Hội thảo tham vấn doanh nghiệp về Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Hội thảo thu hút sự tham gia của 45 khách mời là đại diện các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các chuyên gia, đối tác phát triển và một số cơ quan nhà nước. Đặc biệt, ban tổ chức vinh dự được đón tiếp đại diện của Thanh tra Chính phủ (thành viên của Tổ chỉnh lý Dự thảo), Ban Nội chính Trung ương và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Trong phần phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Thị Kiều Viễn – Giám đốc điều hành TT nhấn mạnh tầm quan trọng về sự tham gia của doanh nghiệp trong phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam. Bởi lẽ, doanh nghiệp hiện nay không chỉ là nạn nhân mà còn đóng vai trò tác nhân gây ra tham nhũng. Bà Viễn cũng cho biết, để sự tham gia của các doanh nghiệp trong công tác PCTN được hiệu quả hơn, việc hoàn thiện khung pháp lý về PCTN nói chung và đưa ra các biện pháp xử lý tham nhũng trong khối doanh nghiệp tư nhân nói riêng, là điều hết sức quan trọng.

“Rất khó để thúc đẩy liêm chính kinh doanh nếu thiếu vắng một khuôn khổ pháp luật phù hợp và có tính khả thi” – Bà Nguyễn Thị Kiều Viễn

Tiếp đến, các khách mời được lắng nghe những chia sẻ của bà Nguyễn Bích Hường – đại diện Tổ chỉnh lý Dự thảo – Thanh tra Chính phủ về các quy định mới liên quan đến khối doanh nghiệp ngoài Nhà nước trong Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Theo bà Hường, đây cũng là những nỗ lực của Ban soạn thảo trong việc khắc phục những thiếu sót của các pháp luật hiện hành và đáp ứng mục tiêu “Từng bước mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài Nhà nước” tại Kết luận số 10/KL-TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Theo các quy định mới, các doanh nghiệp ngoài Nhà nước có trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng nói chung. Riêng công ty đại chúng và tổ chức tín dụng phải thực hiện một số biện pháp phòng, chống tham nhũng bắt buộc khác, đi kèm với cơ chế thanh tra, xử lý vi phạm từ phía các cơ quan Nhà nước. Đây cũng là những nội dung chủ đạo được trình bày và thảo luận sôi nổi tại sự kiện.

Trong phần tiếp theo, ông Giles T. Cooper – Đồng chủ tịch Nhóm Công tác Quản trị và Liêm chính của VBF và bà Nguyễn Thị Kim Liên – chuyên gia tư vấn của TT đã trình bày những bình luận chuyên sâu dưới góc độ pháp lý về các điều khoản cụ thể liên quan đến khối doanh nghiệp ngoài Nhà nước trong Dự thảo luật. Trong đó, một số vấn đề nổi cộm cần được làm rõ bao gồm: (1) phạm vi điều chỉnh của Dự thảo luật đối với vấn đề tham nhũng trong khu vực tư; (2) tính khả thi của các quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp ngoài Nhà nước trong phòng chống tham nhũng, trên cơ sở sự tham chiếu pháp luật hiện hành và quốc tế; (3) vấn đề thanh tra và xử lý vi phạm đối với doanh nghiệp trong phòng, chống tham nhũng. Ngoài ra, các khách mời còn được lắng nghe những chia sẻ về Dự thảo dưới góc độ thực tiễn doanh nghiệp của ông Hoàng Bằng Giang – đại diện Công ty TNHH Intel Products Việt Nam.

Ông Giles T. Cooper cho rằng việc không hình sự hóa trách nhiệm của pháp nhân liên quan đến tham nhũng sẽ là trở ngại cho việc xây dựng liêm chính trong doanh nghiệp

Qua phần thảo luận, nhiều ý kiến đóng góp quý báu của các doanh nghiệp đã được thành viên của Tổ chỉnh lý ghi nhận và sẽ xem xét trong quá trình hoàn thiện Dự thảo. Đa số các đại biểu nhất trí với quan điểm mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật sang khu vực tư, trong đó có khối doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng cho rằng Ban soạn thảo cần làm rõ những quy định nào mang tính khuyến khích hoặc bắt buộc đối với doanh nghiệp trong phòng, chống tham nhũng cũng như xem xét kỹ lưỡng tính khả thi của các quy định này. Chốt lại vấn đề, Dự thảo cần mang tính chất khuyến khích thúc đẩy văn hóa liêm chính trong kinh doanh, tạo ra sân chơi bình đẳng nhưng đồng thời không nên tạo thêm những gánh nặng không cần thiết đối với doanh nghiệp trong tổ chức, hoạt động.

Toàn bộ ý kiến đóng góp của các khách mời sẽ được Ban tổ chức hội thảo tổng hợp thành một bản kiến nghị hoàn chỉnh để gửi đến Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan trong thời gian sắp tới.

Hội thảo này nằm trong chuỗi các hoạt động quan trọng của TT nhằm hỗ trợ Ban soạn thảo hoàn thiện Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đang được Chính Phủ gấp rút hoàn thiện và dự kiến được Quốc hội thông qua vào tháng 10/2018 tới đây.