Pháp luật thực thi, Sự kiện, Tin tức

Thúc đẩy thực thi quyền Tiếp cận thông tin tại Việt Nam: Chuyên gia Toby Mendel chia sẻ kinh nghiệm quốc tế

image_pdfimage_print

Ngày 16/10/2019 tại Hà Nội, ông Toby Mendel – Giám đốc Trung tâm Pháp luật và Dân chủ Canada (Centre for Law and Democracy – CLD) đã buổi làm việc và chia sẻ tại Toạ đàm “Chia sẻ thông tin và kinh nghiệm quốc tế về thực thi Quyền tiếp cận thông tin” do Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT) và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đồng tổ chức. Đây là một hoạt động quan trọng thuộc khuôn khổ dự án về thúc đẩy Quyền tiếp cận thông tin (TCTT) tại Việt Nam do TT và CLD hợp tác thực hiện trong giai đoạn 2019 – 2020.

Buổi toạ đàm do lãnh đạo Vụ Hợp tác Quốc tế, Viện Thông tin Khoa học chủ trì và có sự tham gia của hơn 80 cán bộ, giảng viên, và nghiên cứu viên của Học viện. Đặc biệt, Tọa đàm này cũng là sự kiện tiếp nối những hoạt động hợp tác, trao đổi thông tin, kiến thức và kinh nghiệm quốc tế giữa TT và Học viện trong thời gian gần đây.

Tại sự kiện, ông Toby đã chia sẻ về kết quả rà soát khung khổ pháp lý về quyền TCTT của Việt Nam theo phương pháp RTI Rating. Kết quả mới nhất vào tháng 9/2019 ghi nhận Việt Nam đạt 76 trên 150 điểm, xếp hạng 80 trên tổng số 129 quốc gia đã ban hành luật về quyền TCTT. Theo ông Toby, đây là một kết quả khả quan và cho thấy Việt Nam đang có một khung phổ pháp lý về quyền TCTT tương đối tốt. Tuy nhiên, một số quy định hiện hành của Luật TCTT vẫn còn một số bất cập và có thể tạo ra nhiều thách thức cho việc thực thi quyền TCTT của công dân trên thực tế.

Ông Toby Mendel chia sẻ tại toạ đàm.

Luật TCTT của Việt Nam hiện quy định các trường hợp ngoại lệ, từ chối cung cấp thông tin quá rộng, thiếu căn cứ hướng dẫn cụ thể cũng như không xây dựng một cơ chế khiếu nại, giám sát độc lập như Ủy ban thông tin tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đây chính là hai hạn chế lớn nhất của đạo luật này.” – Ông Toby cho biết.

Bên cạnh đó, các đại biểu đã có cơ hội lắng nghe ông Toby chia sẻ những kinh nghiệm, thực tiễn tốt về thực thi luật TCTT tại một số quốc gia trên thế giới. Ông cũng giới thiệu một số bài học Việt Nam có thể tham khảo. Trong bối cảnh thực thi Luật TCTT tại nước ta còn nhiều bất cập, ông đặc biệt nhấn mạnh một trong những ưu tiên hàng đầu cần được các cơ quan Nhà nước tiến hành, đó là xác định rõ đầu mối cung cấp thông tin trong đơn vị mình theo quy định của Luật này, kèm theo bản mô tả trách nhiệm, công việc, chế độ đãi ngộ cụ thể. Mặt khác, việc các cơ quan các cấp chủ động công khai các thông tin theo Điều 17 Luật TCTT cũng là một nhiệm vụ thiết yếu vì nó giúp tiết kiệm thời gian, tiền bạc và công sức cho cả người dân và Nhà nước. Ngoài ra, ông Toby cũng nhấn mạnh rằng việc thực thi tốt Luật TCTT sẽ đem lại nhiều lợi ích trong việc phát triển kinh tế – xã hội của một quốc gia cũng như củng cố niềm tin của người dân vào các cấp chính quyền.

Cũng tham dự sự kiện này, Nhà báo Lê Văn Nghiêm – chuyên gia tư vấn độc lập của TT, đã đưa ra một góc nhìn khác về việc thực thi quyền TCTT trong mối liên hệ với quy chế phát ngôn, cung cấp thông tin của cơ quan nhà nước. Trong bối cảnh nhiều sự kiện “nóng” về môi trường diễn ra liên tiếp tại Hà Nôi vừa qua, ông chỉ ra nhiều bất cập trong công tác truyền thông, cung cấp thông tin của các cơ quan chức năng đối với người dân, đặc biệt là tình trạng “nhiễu thông tin” trên báo chí và mạng xã hội. Để giải quyết vấn đề này, ông Nghiêm đề xuất rằng các cơ quan nhà nước cần hướng tới cải thiện và đẩy mạnh hoạt động truyền thông chính sách. Trong đó, mỗi một cơ quan Nhà nước cần có một bộ phận chuyên trách về truyền thông chuyên nghiệp, đảm nhận trách nhiệm xây dựng kế hoạch truyền thông, ứng phó và xử lý khủng hoảng thông tin một cách bài bản.

Nhà báo Lê Văn Nghiêm chia sẻ tại toạ đàm.

Cần nâng cao nhận thức về trách nhiệm về cung cấp thông tin của cơ quan Nhà nước theo quy định của Luật TCTT. Đặc biệt, những chủ trương, chính sách về các vấn đề quan trọng như kinh tế, đất đai, tài nguyên – môi trường, đầu tư công, v.v. phải được công khai, minh bạch đối với người dân ngay từ khâu xây dựng, ban hành cho tới thi hành.” ­– Nhà báo Lê Văn Nghiêm

Về phía Học viện, PGS. TS Tường Duy Kiên – Viện trưởng Viện Quyền con người đã có phần trình bày về quá trình xây dựng và thực hiện Luật TCTT ở Việt Nam. Với tư cách là một trong những người đầu tiên đưa ra ý tưởng về xây dựng đạo luật này tại Việt Nam, ông Kiên đã chia sẻ những khó khăn, thách thức trong suốt chặng đường từ khi xây dựng cho đến ban hành Luật vào năm 2016.

Trong phần thảo luận, các diễn giả đã nhận được nhiều câu hỏi từ đại diện của Học viện liên quan đến vấn đề khoảng trống giữa nhận thức và thực thi Luật TCTT tại Việt Nam. Theo đó, các đại biểu tham dự đều đồng tình rằng bên cạnh việc các cơ quan Nhà nước cần tuân thủ chặt chẽ các quy định của Luật TCTT, việc phổ biến các quy định của luật đi vào đời sống và tuyên truyền người dân thực thi quyền TCTT cũng là một nhiệm vụ hàng đầu trong giai đoạn hiện nay. Qua sự kiện, phần trao đổi của ông Toby và các diễn giả đã làm rõ nhiều vấn đề, giúp các đại biểu tham dự Tọa đàm có những thông tin cụ thể, thiết thực, phục vụ hoạt động giảng dạy và tiếp tục nghiên cứu về chủ đề rất quan trọng này.

Ông Toby Mendel hiện là giám đốc của Trung tâm Pháp luật và Dân chủ (Centre for Law and Democracy – CLD), một tổ chức phi chính phủ quốc tế về quyền con người có trụ sở tại Canada. Hoạt động của CLD tập trung vào hai mảng chính: (1) nghiên cứu, nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp lý về những quyền dân chủ cơ bản như quyền tiếp cận thông tin, quyền tự do biểu đạt và quyền được tham gia; (2) hỗ trợ chính phủ các quốc gia thực thi chính sách, pháp luật và các cam kết quốc tế về các vấn đề dân chủ. CLD cũng là một trong hai tổ chức sáng lập và điều hành Bảng xếp hạng đánh giá Khung pháp lý về Quyền tiếp cận thông tin của 129 quốc gia trên thế giới tính đến tháng 9/2019 (Right To Information Rating). Trước đó, kể từ năm 2015 đến năm 2017, TT đã cộng tác cùng Toby và CLD thực hiện một số hoạt động hỗ trợ Bộ Tư pháp trong việc xây dựng Luật Tiếp cận thông tin 2016 và Nghị định 13/2018/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật này.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *