Liêm chính doanh nghiệp

RESIST: Phòng ngừa và ứng xử với 22 tình huống đòi hối lộ trong kinh doanh

image_pdfimage_print

Công cụ đào tạo nhân viên RESIST – Resisting Extortion and Solicitation in International Transactions – Phòng ngừa và ứng xử với 22 tình huống đòi hối lộ trong kinh doanh giúp hướng dẫn các cán bộ và nhân viên của các doanh nghiệp cách phòng, chống các đòi hỏi hối lộ và tống tiền trong giao dịch kinh doanh.

RESIST là sản phẩm hợp tác của bốn tổ chức quốc tế lớn, bao gồm:

  • Phòng thương mại quốc tế (ICC)
  • Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI)
  • Hiệp ước toàn cầu của Liên Hợp quốc (UNGC)
  • Sáng kiến Đối tác Phòng, chống tham nhũng (PACI) của Diễn đàn Kinh tế thế giới.

Ngoài ra còn có sự tham gia đóng góp của rất nhiều các công ty và tổ chức quốc tế khác.

Tải công cụ đầy đủ bằng tiếng Việt tại đây.


slim-line png

Vì sao doanh nghiệp cần công cụ như RESIST?

Doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với tham nhũng

Năm 2014, Việt Nam xếp hạng 119/175 quốc gia trong chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI), cho thấy tham nhũng tiếp tục là một vấn đề nghiêm trọng. Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2015 cho thấy: nạn tham nhũng và chi phí không chính thức vẫn là những mối lo hàng đầu của doanh nghiệp và đang có chiều hướng gia tăng. Các lĩnh vực mà doanh nghiệp thường gặp tham nhũng gồm có: xin giấy phép đầu tư, đấu thầu, làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa tại hải quan, thanh kiểm tra việc tuân thủ pháp luật.

Hoạt động trong môi trường rủi ro cao về tham nhũng, cạnh tranh thiếu bình đẳng và việc sử dụng chi phí không chính thức khá phổ biến trong kinh doanh, doanh nghiệp vừa là nạn nhân của tham nhũng khi bị đòi hỏi chi phí không chính thức, đồng thời cũng chính là tác nhân tham nhũng khi chủ động đưa hối lộ để giành lợi thế trong kinh doanh hoặc đẩy nhanh quá trình cung cấp dịch vụ. Một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp đã và đang sử dụng hối lộ như một giải pháp trong kinh doanh để đạt được một số lợi ích ngắn hạn như giành lợi thế cạnh tranh, hoặc tránh bất lợi trước các đối thủ khác cũng sử dụng hối lộ để cạnh tranh.

Doanh nghiệp đối mặt với rất nhiều rủi ro khi đưa hối lộ

Mặt trái của việc doanh nghiệp đưa hối lộ là các rủi ro tiềm ẩn như: bị phát hiện, khởi tố, hủy hợp đồng, bị các đối tác tốt tẩy chay, bị phạt tiền và đình chỉ hoạt động. Việc sử dụng hối lộ để kinh doanh sẽ ăn mòn và làm tổn hại danh tiếng của doanh nghiệp. Tại các doanh nghiệp tham nhũng, cán bộ nhân viên thường ỷ lại vào việc đưa và nhận hối lộ để giải quyết công việc, thậm chí cố tình tạo ra yêu cầu phải đưa hối lộ để chiếm đoạt tiền của doanh nghiệp, khả năng sáng tạo suy giảm, hiệu suất làm việc thấp, lãng phí nguồn lực. Doanh nghiệp đưa hối lộ thường bị đòi hỏi tiếp tục đưa hối lộ, việc ra quyết định kinh doanh vì thế càng trở nên khó khăn và bị ảnh hưởng bởi người đưa và nhận hối lộ, cuối cùng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sự bền vững của doanh nghiệp.

Yêu cầu nghiêm ngặt của các đạo luật chống tham nhũng quốc tế

Sự ra đời của các đạo luật chống tham nhũng cùng với việc tăng cường thực thi pháp luật và trách nhiệm xã hội có ý nghĩa ngày càng quan trọng đã tạo nên động lực mạnh mẽ khuyến khích doanh nghiệp phòng, chống tham nhũng và thúc đẩy liêm chính trong kinh doanh. Một số nội dung cụ thể trong các công cụ pháp luật quốc tế như:

  • Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) quy định cấm các hình thức tham nhũng “thụ động”, tống tiền hay đòi hối lộ cả trong khu vực công lẫn khu vực tư.
  • Hướng dẫn của OECD năm 2010 khuyến nghị các công ty thực hiện các biện pháp ứng xử trong những lĩnh vực rủi ro lớn, bao gồm việc đòi hối lộ và tống tiền. Hướng dẫn này cũng nhấn mạnh nhu cầu cung cấp cho các công ty, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), các hướng dẫn và hỗ trợ nhằm chống lại các hành động tống tiền và đòi hối lộ.

Một trong những cách tốt nhất để doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro là chuẩn bị cách phòng ngừa, ứng xử với các tình huống đòi hỏi tham nhũng có thể xảy ra, điều này giúp doanh nghiệp tránh bị động khi đối mặt với tình huống bị đòi hối lộ, bảo vệ danh tiếng, cơ hội kinh doanh và quyền lợi hợp pháp của mình. Vì vậy, RESIST được thiết kế như một công cụ đào tạo nhằm cung cấp những hướng dẫn có tính thực tiễn cho nhân viên các công ty về việc đề phòng và ứng phó với những yêu cầu không chính đáng từ khách hàng, đối tác kinh doanh hay các cơ quan chính quyền một cách hiệu quả nhất và phù hợp với đạo đức kinh doanh.
slim-line png

Nội dung của RESIST

RESIST đưa ra 22 kịch bản minh họa cho hàng loạt các tình huống bị đòi hối lộ có thể xảy ra trong thực tế và cách thức ứng phó trong mỗi tình huống một cách cụ thể và chi tiết. Tất cả 22 kịch bản này đều dựa trên kinh nghiệm thực tế và sự tham gia đóng góp của các công ty, nhằm trả lời hai câu hỏi cơ bản của doanh nghiệp:

  • Doanh nghiệp có thể phòng ngừa để không bị đòi hỏi đưa hối lộ ngay từ đầu như thế nào?
  • Doanh nghiệp nên ứng xử thế nào khi bị đòi hỏi đưa hối lộ?

Ngoài ra phần phụ lục còn cung cấp một loạt các khuyến nghị có thể áp dụng cho hầu hết các tình huống. Người sử dụng công cụ RESIST cần nghiên cứu các khuyến nghị chung này trước khi đi vào xem xét các tình huống cụ thể.

slim-line png

Đối tượng sử dụng

Công cụ RESIST sẽ phục vụ hữu ích cho tất cả các công ty có khả năng bị đòi hối lộ trong khi thực hiện hoạt động kinh doanh quốc tế, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ – đối tượng thường xuyên nhận các yêu cầu hối lộ do các đơn vị này dễ bị tổn thương hơn các doanh nghiệp lớn và có ít nguồn lực để ứng phó với các tình huống này.

Trong các công ty, công cụ này chủ yếu dành cho các phòng ban chịu trách nhiệm trong đào tạo về đạo đức kinh doanh, tuân thủ quy định pháp luật và tính liêm chính, cũng như dành cho các cán bộ tham gia vào hoạt động bán hàng, marketing và vận hành. Các kịch bản được xây dựng nhằm giúp cán bộ công nhân viên của công ty nhận thức rõ hơn về rủi ro bị đòi hối lộ và tống tiền, đồng thời các kịch bản này cũng tạo ra các cơ hội thảo luận cởi mở về cách thức ứng phó với yêu cầu hối lộ một cách hiệu quả và thực tế.