Liêm chính doanh nghiệp

Một số công ty lớn nhất tại Việt Nam chưa chú trọng công bố các cam kết về phòng, chống tham nhũng

image_pdfimage_print

Hà Nội, ngày 26 tháng 4 năm 2017Các công ty tại Việt Nam có khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về tính minh bạch; tuy nhiên, việc thực hiện công bố thông tin về chương trình phòng, chống tham nhũng nội bộ của 30 doanh nghiệp lớn nhất được đánh giá còn thấp.

Đây là một trong những phát hiện chính trong “Báo cáo đánh giá thực tiễn công bố thông tin của doanh nghiệp: Đánh giá 30 doanh nghiệp lớn nhất tại Việt Nam” (TRAC Việt Nam 2017) do Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT) – Cơ quan đầu mối quốc gia của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) tại Việt Nam thực hiện và công bố vào sáng ngày 26/04/2017.

Liên quan đến minh bạch trong cấu trúc và tỷ lệ sở hữu doanh nghiệp, một số doanh nghiệp Việt Nam đạt điểm khá tốt trong đánh giá, trong đó có hai doanh nghiệp đạt điểm tối đa 100%. Điều đó cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về tính minh bạch. Việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, trong đó có tiêu chuẩn về tính minh bạch ngày càng trở nên cấp thiết hơn khi các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng phạm vi kinh doanh ra toàn cầu. Khi doanh nghiệp cam kết công khai, trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp đó sẽ tăng lên; đồng thời tạo ra các tác động tích cực đến đội ngũ cán bộ, nhân viên trong nước và ở nước ngoài thông qua việc nhấn mạnh cam kết và sự ủng hộ của doanh nghiệp đối với những hành vi liên quan đến đạo đức kinh doanh.

“Kinh doanh liêm chính giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tạo điều kiện tốt hơn để doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường quốc tế” – Bà Nguyễn Thị Kiều Viễn, Sáng lập viên, Giám đốc điều hành của tổ chức Hướng Tới Minh Bạch, nhận định

“Chương trình phòng, chống tham nhũng nội bộ là một trong những biện pháp bảo vệ tốt nhất cho các doanh nghiệp khi đối mặt với nguy cơ tham nhũng cũng như rủi ro về mặt pháp lý và ảnh hưởng tiêu cực đến danh tiếng của doanh nghiệp” – bà Nguyễn Thị Kiều Viễn, Sáng lập viên, Giám đốc điều hành của tổ chức Hướng Tới Minh Bạch nhấn mạnh tại buổi lễ công bố báo cáo.

Trên thực tế, liên quan đến việc thực hiện công bố thông tin về chương trình phòng, chống tham nhũng, điểm trung bình của 30 doanh nghiệp được đánh giá chỉ đạt 10%, trong đó các doanh nghiệp nhà nước chỉ đạt điểm trung bình 2% (100% là công khai nhiều nhất; 0% là công khai ít nhất). Cụ thể, 7 trong số 30 doanh nghiệp công khai các cam kết tuân thủ các quy định pháp luật liên quan, trong đó có Luật phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh đó, chỉ 4 trên tổng số 30 doanh nghiệp công khai cam kết của lãnh đạo ủng hộ phòng, chống tham nhũng. Điều này gây ra một số băn khoăn, nghi ngại về cam kết của doanh nghiệp trong việc đẩy lùi vấn nạn tham nhũng.

 “Doanh nghiệp cần đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng và truyền thông ra bên ngoài các cam kết và nỗ lực của mình trong việc phòng ngừa rủi ro tham nhũng; qua đó gửi thông điệp rõ ràng đến khách hàng, nhà đầu tư và các bên liên quan rằng doanh nghiệp không chấp nhận các hành vi tham nhũng. Để làm được như vậy, trước tiên cần phải có cam kết ủng hộ sự chỉ đạo quyết liệt từ chính các lãnh đạo doanh nghiệp đối với việc xây dựng văn hoá kinh doanh liêm chính”, bà Viễn khuyến nghị.

Mặc dù chưa có doanh nghiệp nào đạt được điểm tối đa, báo cáo cũng chỉ ra một số điểm sáng khi có hai doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài đạt điểm trung bình cao nhất  với điểm số 65% về thực hiện công bố thông tin về chương trình phòng, chống tham nhũng nội bộ.

Thông tin về báo cáo:

Lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam, TRAC Việt Nam 2017 đánh giá thực tiễn công bố thông tin của 30 doanh nghiệp lớn nhất theo xếp hạng của VNR500 năm 2015 của Công ty Vietnam Report  và được định kỳ công bố thường niên từ năm 2007 bởi Báo VietnamNet, bao gồm 10 công ty niêm yết, 10 công ty có 100% vốn đầu tư nước ngoài và 10 doanh nghiệp nhà nước.

Báo cáo đánh giá việc thực hiện công bố thông tin của doanh nghiệp trên ba khía cạnh: i) Chương trình phòng, chống tham nhũng; ii) Minh bạch trong cấu trúc và tỷ lệ sở hữu của doanh nghiệp; iii) Cơ chế báo cáo theo quốc gia.

Qua việc đánh giá thực tiễn công bố thông tin của doanh nghiệp, báo cáo hướng tới thúc đẩy các thực hành tốt, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và hỗ trợ các doanh nghiệp truyền tải rõ ràng hơn cam kết phòng, chống tham nhũng và minh bạch tới các bên liên quan.

Bài phát biểu của đại diện TT

Các câu hỏi thường gặp về báo cáo

Để biết thêm thông tin xin vui lòng liên hệ:

Hoàng Thuỳ Linh

Điện thoại: 04. 3715 3532

Email: [email protected]