Phạm Thành Trung, Vũ Hải Yến, Hoàng Thuỳ Linh[1]
Trong công tác PCTN, vai trò của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề là rất quan trọng vì đây là nhóm chủ thể quyết định đến “sức khoẻ” của nền kinh tế và là đối tượng thường xuyên sử dụng dịch vụ công. Thực tế những năm qua cho thấy các doanh nghiệp vừa là “nạn nhân” của nạn tham nhũng, cửa quyền, sách nhiễu từ những người có chức vụ quyền hạn; nhưng cũng vừa là “tác nhân” của tham nhũng bởi nhiều doanh nghiệp thường tìm cách lót tay, đưa hối lộ cho cán bộ, công chức nhằm đạt được những lợi thế trong kinh doanh, thu lợi nhuận.
Theo báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI 2016), số lượng doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức tăng lên qua các năm, từ 50% năm 2013 đến 64.5% năm 2014 và 66% trong năm 2015-2916. Bên cạnh đó, trong bản thân các doanh nghiệp cũng tiềm ẩn các nguy cơ phát sinh tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để trục lợi cá nhân hoặc làm thất thoát tài sản của doanh nghiệp; điều đó ảnh hưởng xấu đến sự phát triển lành mạnh của thị trường.
Để PCTN đạt hiệu quả, cần phải có sự tham gia chủ động, tích cực từ tất cả các chủ thể xã hội, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp.
Lễ công bố Báo cáo đánh giá thực tiễn công khai thông tin của doanh nghiệp (TRAC Việt Nam 2017) do tổ chức Hướng tới Minh bạch thực hiện__Ảnh: Vietnamplus.vn |
Khuôn khổ pháp luât hiện hành về trách nhiệm Phòng, chống tham nhũng của doanh nghiệp
Từ năm 2009, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020. Một trong các giải pháp được đưa ra trong Chiến lược này là “phát huy vai trò của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề trong PCTN thông qua việc xây dựng và thực hiện văn hóa kinh doanh lành mạnh, phi tham nhũng; phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn và phát hiện kịp thời hành vi nhũng nhiễu, đòi hối lộ của cán bộ, công chức.”[2]
Vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp trong PCTN được quy định rất cụ thể tại Điều 87 Luật PCTN 2005 (sửa đổi bổ sung năm 2007, 2012) và Chương IV – Nghị định 47/2007/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật PCTN về Vai trò và trách nhiệm của xã hội trong PCTN. Theo đó, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề có các trách nhiệm sau:
- Tuyên truyền, động viên cán bộ, người lao động trong doanh nghiệp, các hội viên của hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề về thực hiện pháp luật PCTN. Ngoài ra, các hiệp hội cũng có trách nhiệm động viên, khuyến khích các hội viên xây dựng văn hoá kinh doanh lành mạnh, phi tham nhũng, xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, người lao động trong doanh nghiệp để phòng ngừa tham nhũng.
- Thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện tham nhũng.
- Khuyến khích tố cáo tham nhũng, cung cấp thông tin, phối hợp với cơ quan nhà nước trong giải quyết vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.
- Kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật PCTN.
Nhìn chung, các quy định hiện hành chủ yếu tập trung vào trách nhiệm của doanh nghiệp mà chưa có cơ chế, chính sách để khẳng định vai trò quan trọng của doanh nghiệp cũng như động viên, khuyến khích doanh nghiệp tích cực tham gia vào công tác PCTN.
Yêu cầu về công khai, minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp
Nội dung về công khai, minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp được hiểu trên hai khía cạnh: một là, nghĩa vụ công khai thông tin của doanh nghiệp ra bên ngoài để các nhà đầu tư và những người quan tâm biết được; hai là, công khai, minh bạch trong nội bộ tổ chức và hoạt động của chính doanh nghiệp. Luật Doanh nghiệp (LDN) 2014 và các văn bản liên quan có khá nhiều quy định liên quan đến trách nhiệm công khai của doanh nghiệp cũng như nhằm minh bạch hoá tổ chức, hoạt động của doanh nghiệp, trong đó có các quy định dành riêng cho DNNN.
Công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp: Đây là yêu cầu thực hiện đối với tất cả doanh nghiệp nói chung và phải được thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp..
Đối với doanh nghiệp ngoài Nhà nước, yêu cầu về công khai, minh bạch được xem xét trên ba khía cạnh sau:
- Công bố thông tin liên quan đến doanh nghiệp:
Riêng đối với công ty cổ phần, LDN 2014 dường như có những quy định chặt chẽ hơn khi có riêng một điều yêu cầu công ty cổ phần phải công bố trên trang thông tin điện tử (nếu có) một số thông tin.
Trường hợp đối với công ty đại chúng, các công ty này phải thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán. Điều 101 Luật chứng khoán 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2010 và Chương II của Thông tư số 155/2015/TT-BTC quy định chi tiết về công bố thông tin của công ty đại chúng. Công ty đại chúng phải công bố trên trang thông tin điện tử (website) của công ty và hệ thống công bố thông tin của UBCKNN.
- Công khai các lợi ích liên quan :
Liên quan đến các quy định nhằm chống xung đột lợi ích, LDN 2014 yêu cầu Chủ tịch Hội đồng thành viên (với công ty TNHH 1 thành viên, là thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty), Thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật, Kiểm soát viên và người quản lý khác của công ty phải thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho công ty về doanh nghiệp mà họ và người có liên quan của họ làm chủ sở hữu hoặc có cổ phần, phần vốn góp chi phối.[3]
Riêng đối với công ty cổ phần, LDN 2014 có quy định chi tiết hơn về các lợi ích phải công khai cũng như trình tự, thời hạn kê khai. Theo đó, lợi ích kê khai gồm: (i)Với đối tượng phải kê khai và (ii)Với người có liên quan của đối tượng phải kê khai.
- Công khai thu nhập của người quản lý :
Liên quan đến thu nhập của các chức danh lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp, LDN 2014, Điều 158, Khoản 3 cũng có quy định nhằm đảm bảo sự công khai, minh bạch. Theo đó, thông tin về thù lao của thành viên Hội đồng quản trị, tiền lương của Giám đốc/Tổng giám đốc và người quản lý khác có thể được tìm thấy trong báo cáo tài chính hằng năm của công ty vì khoản tiền này được tính vào chi phí kinh doanh và thể hiện thành mục riêng trong báo cáo tài chính. Thông tin này cũng phải được báo cáo Đại hội đồng cổ đông tại cuộc họp thường niên.
Mức độ công khai đối với nội dung này vẫn mang tính nội bộ, trừ trường hợp là công ty cổ phần, vì các công ty này được yêu cầu phải công khai báo cáo tài chính trên trang thông tin điện tử (như đã trình bày ở trên), khi đó tính công khai sẽ rộng hơn và nhiều người có thể tiếp cận hơn.
Đối với DNNN, các yêu cầu về công khai, minh bạch cũng được xem xét trên ba khía cạnh. DNNN là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.[4] Về bản chất, toàn bộ nguồn vốn của các doanh nghiệp này là từ tiền và tài sản của nhân dân, do đó các doanh nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu cao hơn, khắt khe hơn về công bố và minh bạch thông tin so với các doanh nghiệp tư nhân khác.
- Công khai thông tin liên quan đến doanh nghiệp:
LDN 2014 có một chương riêng dành cho DNNN, trong đó có quy định về trách nhiệm công bố thông tin của DNNN. Để cụ thể hoá các quy định này và tạo ra khung pháp lý chung, thống nhất về việc công bố thông tin hoạt động của DNNN, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 81/2015/NĐ-CP về công bố thông tin của DNNN. Ngoài ra, Điều 18 Luật PCTN cũng có quy định về công khai các thông tin liên quan đến quản lý DNNN.
- Kê khai các lợi ích liên quan :
Để tránh xung đột lợi ích, trong chương về DNNN, LDN 2014 cũng quy định trách nhiệm của Chủ tịch và các thành viên khác của Hội đồng thành viên phải thông báo kịp thời, đầy đủ và chính xác cho công ty về các doanh nghiệp mà mình và người có liên quan làm chủ sở hữu hoặc có cổ phần, phần vốn góp. Thông báo này được niêm yết tại trụ sở chính và chi nhánh của công ty.[5]
Tuy nhiên, các quy định về DNNN trong LDN lại chưa đề cập đến cách xử lý khi DNNN có các hợp đồng, giao dịch với các doanh nghiệp mà Chủ tịch, thành viên Hội đồng thành viên của DNNN và người có liên quan làm chủ sở hữu hoặc có cổ phần, phần vốn góp.
- Kê khai tài sản, thu nhập của người quản lý:
Kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn là một biện pháp quan trọng trong phòng ngừa, phát hiện tham nhũng. Kê khai tài sản, thu nhập là một khâu trong quá trình này. Các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập đã được thể hiện rất rõ tại Nghị định 78/2013/NĐ-CP và Thông tư 08/2013/TT-TTCP hướng dẫn thi hành các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập.
Nếu vi phạm các yêu cầu về công khai, doanh nghiệp có thể bị xử lý như sau:
- Doanh nghiệp không công bố hoặc công bố không đúng thời hạn các nội dung đăng ký doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng và bị buộc phải công bố nội dung đó.[6]
- Công ty đại chúng công bố thông tin không đầy đủ, kịp thời, đúng hạn, đúng phương tiện, công bố thông tin sai sự thật hoặc không công bố thông tin theo quy định thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền.[7]
- DNNN vi phạm các quy định về công bố thông tin theo quy định tại Nghị định 81/2015/NĐ-CP về công bố thông tin của DNNN sẽ bị phạt tiền và buộc thực hiện công bố thông tin.[8]
Không chỉ doanh nghiệp bị xử phạt, người quản lý doanh nghiệp cũng phải chịu trách nhiệm khi doanh nghiệp vi phạm.
Xây dựng, thực hiện các quy định về kiểm soát nội bộ
Hệ thống kiểm soát nội bộ trong doanh nghiệp được coi là một trong các biện pháp phòng ngừa, phát hiện tham nhũng hiệu quả. Tuy nhiên, quy định trong Luật PCTN mới chỉ dừng ở việc “Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp có cơ chế kiểm soát nội bộnhằm ngăn chặn hành vi tham ô, đưa hối lộ”[9] và quy định trong Nghị định 47 cũng chưa thực sự nhấn mạnh rõ đây là trách nhiệm của doanh nghiệp. Như vậy, luật mới chỉ yêu cầu có cơ chế để ngăn chặn một số hành vi tham nhũng, chưa nói đến cơ chế để phòng ngừa xung đột lợi ích hay để phòng ngừa và xử lý tất cả các loại hành vi tham nhũng. Việc xây dựng cơ chế phòng ngừa xung đột lợi ích, phòng chống và xử lý các dạng của hành vi tham nhũng chưa được luật ghi nhận là trách nhiệm của doanh nghiệp.
Từ những quy định trên cho thấy tầm quan trọng và vai trò của Ban kiểm soát và bộ phận Kiểm toán nội bộ trong phòng ngừa và phát hiện các hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, bộ phận Kiểm toán nội bộ chưa phải là yêu cầu bắt buộc trong các doanh nghiệp. Hiện Chính phủ đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết về kiểm toán nội bộ. Theo dự thảo này, kiểm toán nội bộ sẽ là một bộ phận bắt buộc đối với các công ty niêm yết và một số loại hình doanh nghiệp.[10]
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu bên lề Hội nghị “Đồng hành cùng doanh nghiệp”__Ảnh: Thống Nhất/VNA |
Khuyến khích tố cáo tham nhũng, thông báo về hành vi tham nhũng; cung cấp thông tin, phối hợp với cơ quan nhà nước trong giải quyết vụ việc có dấu hiệu tham nhũng
Các quy định về tố cáo hiện nằm trong Luật Tố cáo năm 2011 và các nghị định, thông tư liên quan. Phạm vi điều chỉnh của Luật Tố cáo hiện mới chỉ dừng ở việc tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.[11]
Dù Luật Tố cáo không có quy định riêng về giải quyết tố cáo trong DNNN, Điều 17 Luật Tố cáo có quy định thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ mà không phải là cán bộ, công chức, viên chức; và Thông tư 06/2013/TT-TTCP về quy trình giải quyết tố cáo có quy định đối tượng áp dụng bao gồm cả DNNN.[12] Do vậy, việc tố cáo và giải quyết tố cáo trong DNNN cũng tuân theo Luật Tố cáo là đạo luật cơ bản về tố cáo.
Hệ thống pháp luật Việt Nam hiện chưa có quy định về việc tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân trong doanh nghiệp tư. Trong khi đó, theo Nghị định 47, doanh nghiệp có trách nhiệm khuyến khích việc phát hiện, tố cáo tham nhũng; theo BLHS 2015, bốn loại hành vi tham nhũng trong khu vực tư bị xử lý hình sự.
Các doanh nghiệp chỉ có quyền “thông báo” hành vi sai phạm với các cơ quan chức năng.[13] Tuy nhiên, cơ chế, hình thức thông báo, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp khi thông báo thì chưa được quy định rõ ràng trong luật. Luật Tố cáo hiện hành chỉ quy định quyền tố cáo của cá nhân.
Cần phải làm gì để thúc đẩy vai trò của doanh nghiệp trong Phòng, chống tham nhũng?
Đối với chính phủ:
Nhà nước cần khẳng định và thúc đẩy vai trò của doanh nghiệp trong phòng, chống tham nhũng
PCTN không chỉ là trách nhiệm mà thực sự, các doanh ngiệp đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy công tác đấu tranh PCTN đạt hiệu quả trên thực tế. Bởi vậy, bên cạnh vấn đề trách nhiệm, Luật PCTN cần có quy định khẳng định vai trò quan trọng của doanh nghiệp (cũng như các chủ thể xã hôi khác) trong công cuộc PCTN, đồng thời có các cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp tích cực phát huy vai trò này trên thực tế. Quy định như vậy sẽ làm nổi bật hơn vai trò chủ động của doanh nghiệp cũng như các chủ thể xã hội trong PCTN, góp phần thay đổi nhận thức, bởi một bộ phận người dân vẫn cho rằng PTCN là công việc và nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước.
Bổ sung quy định trong LDN về cách xử lý các hợp đồng, giao dịch ký giữa DNNN với các doanh nghiệp mà Chủ tịch, thành viên Hội đồng thành viên và người có liên quan làm chủ sở hữu/có cổ phần, phần vốn góp
Đối với công ty cổ phần, những hợp đồng như vậy phải có sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị. Các DNNN thường là công ty TNHH một thành viên. Vậy nếu công ty theo mô hình có Chủ tịch công ty (không có Hội đồng thành viên) mà công ty lại có hợp đồng với doanh nghiệp mà Chủ tịch công ty cũng làm chủ sở hữu hoặc có cổ phần, phần vốn góp thì việc chấp thuận, phê duyệt sẽ như thế nào. Vấn đề này cần được làm rõ và quy định cụ thể trong LDN.
Cân nhắc mở rộng phạm vi các tài sản kê khai bao gồm tài sản có nguồn gốc từ/liên quan tới người có nghĩa vụ kê khai; đồng thời đa dạng hóa phương pháp xác minh nguồn gốc tài sản và hình thức công khai bản kê khai tài sản.
Để ngăn ngừa người có nghĩa vụ kê khai tài sản cố tình che giấu, tẩu tán tài sản cho người thân, pháp luật nên mở rộng phạm vi các tài sản phải kê khai, bao gồm tài sản, thu nhập của bố, mẹ và con đã thành niên của người có nghĩa vụ kê khai.
Một phương án có thể đặt ra là chỉ kê khai các tài sản có nguồn gốc từ (để bao quát trường hợp người có nghĩa vụ kê khai chuyển tài sản sang cho các đối tượng này) hoặc liên quan tới người có nghĩa vụ kê khai (để bao quát trường hợp tài sản tham nhũng thay vì được chuyển cho người có chức vụ, quyền hạn thì sẽ được chuyển trực tiếp cho các đối tượng này). Nếu theo hướng này, sẽ cần có quy định giải thích chi tiết thế nào là “có nguồn gốc từ hoặc liên quan tới người có nghĩa vụ kê khai”. Quy định bổ sung này cũng sẽ đặt ra yêu cầu cao hơn cho công tác xác minh và chứng minh nguồn gốc tài sản. Do đó, cần có bộ phận/cơ quan chuyên trách có nghiệp vụcao chịu trách nhiệm xác minh việc kê khai tài sản trong các DNNN.
Cũng liên quan đến công tác xác minh, theo quy định hiện hành, việc xác minh chỉ được thực hiện khi có 1 số căn cứ nhất định. Nhu cầu cấp thiết của công tác PCTN đòi hỏi việc xác minh phải được thực hiện một cách thường xuyên, là một khâu bắt buộc sau kê khai. Vì khối lượng công việc lớn cũng như nguồn lực có hạn, nên việc xác minh thường xuyên chỉ cần thực hiện với một số đối tượng nhất định, ví dụ các chức danh lãnh đạo trong DNNN từ Giám đốc trở lên. Bên cạnh việc xác minh thường xuyên với một số đối tượng xác định, có thể lựa chọn ngẫu nhiên một số đối tượng khác để tiến hành xác minh
Việc công khai bản kê khai tài sản cần được quy định linh hoạt hơn. Ngoài việc niêm yết tại trụ sở doanh nghiệp, nên bổ sung hình thức niêm yết tại cơ sở công tác nơi người có nghĩa vụ công khai thường xuyên làm việc trong trường hợp những người này làm việc tại địa bàn khác với trụ sở doanh nghiệp.
Quy định xây dựng cơ chế kiểm soát nội là trách nhiệm bắt buộc của các doanh nghiệp
Liên quan đến quy chế kiểm soát và quản trị nội bộ,luật cần đặt ra quy định yêu cầu phải thành lập bộ phận kiểm soát nội bộ đối với một số loại hình doanh nghiệp nhất định, hoặc ít nhất là bắt buộc đối với các DNNN. Điều này cũng đã được đưa vào trong Dự thảo Luật PCTN sửa đổi: “Trong điều lệ, quy chế hoạt động, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có trách nhiệm quy định về cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa xung đột lợi ích, ngăn chặn, xử lý hành vi tham ô, hối lộ, lạm dụng chức vụ, quyền hạn và các hành vi tham nhũng khác.”[14]
Ban hành các quy định rõ ràng về quyền tố cáo tham nhũng của doanh nghiệp
Như phân tích ở trên, hiện Luật PCTN tham nhũng đã ghi nhận quyền “thông báo” của các doanh nghiệp nhưng lại chưa có quy định cụ thể để triển khai trên thực tế. Do vậy, để tránh điểm thiếu sót này, cần bổ sung các quy định về cơ chế, quy trình để doanh nghiệp có thể chủ động thực hiện quyền thông báo về các hành vi tham nhũng cũng như quy định trách nhiệm tương ứng của cơ quan nhà nước trong việc tiếp nhận và phản hồi với những thông báo này của doanh nghiệp.
Đối với doanh nghiệp:
Chủ động công khai, minh bạch trong hoạt động doanh nghiệp
Bên cạnh cơ chế, chính sách của nhà nước thúc đẩy minh bạch doanh nghiệp, việc chủ động thực hiện công khai, minh bạch cũng rất quan trọng và mang lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp. Minh bạch sẽ giúp tăng năng suất lao động và có được sự tin tưởng từ các đối tác, thu hút được nhiều đối tác và khách hàng, người lao động gắn bó hơn với doanh nghiệp, từ đó góp phần tạo sự phát triển doanh nghiệp bền vững.[15] Theo một khảo sát, 48% người dân sẵn sang trả nhiều tiền hơn để mua hàng hóa, dịch vụ từ một công ty trong sạch, không tham nhũng.[16]
Xây dựng và công khai chương trình phòng, chống tham nhũng của doanh nghiệp
Doanh nghiệp cần nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của chương trình PCTN để từ đó chủ động thiết kế, xây dựng chương trình PCTN áp dụng trong chính doanh nghiệp mình. Bên cạnh các quy chế kiểm soát nội bộ, quy tắc ứng xử, chương trình PCTN có thể bao gồm các chính sách về quà tặng, chiêu đãi, cấm các chi phí bôi trơn. Công khai các nội dung của chương trình PCTN là doanh nghiệp đã thể hiện rõ cam kết PCTN của mình với cơ quan nhà nước cũng như các doanh nghiệp đối tác.
Tổ chức các chương trình truyền thông, đào tạo cho nhân viên về phòng, chống tham nhũng
Để các quy định, chính sách về PCTN của nhà nước nói chung cũng như của riêng doanh nghiệp được áp dụng hiệu quả, doanh nghiệp cần tổ chức các chương trình truyền thông, đào tạo ở tất cả cấp bậc từ lãnh đạo đến kiểm soát viên và các nhân viên để phổ biến, cung cấp thông tin và hướng dẫn người lao động thực hiện, tuân thủ các quy định này.
Các doanh nghiệp cần tích cực tham gia các hành động tập thể
Doanh nghiệp có thể tham gia vào cuộc chiến chống tham nhũng tại ba mức độ: (i) trong nội bộ doanh nghiệp, (ii) đối với đối tác, và (iii) trong môi trường kinh doanh.
Tại cấp động doanh nghiệp, doanh nghiệp có thể xây dựng và áp dụng các chương trình Phòng, chống nội bộ như một trong các cơ chế hiệu quả nhất để bảo vệ công ty khỏi các nguy cơ tham nhũng, giảm thiểu các chi phí không chính thức và các hậu quả pháp lý và tổn hại danh tiếng do tham nhũng gây ra. Ví dụ, có các chính sách chống chi phí bôi trơn, xung đột lợi ích, quà biếu, thực hiện các chương trình đánh giá nguy cơ tham nhũng hàng năm.
Doanh nghiệp cần phổ biến các chính sách về phòng, chống tham nhũng đến đối tác và các bên liên quan như khách hàng, trung gian.
Trong phạm vi môi trường kinh doanh, doanh nghiệp cần chủ động tham gia vào các sáng kiến hành động tập thể nhằm thúc đẩy kinh doanh liêm chính trong doanh nghiệp và tạo dựng môi trường kinh doanh liêm chính, lành mạnh. Thành viên tham gia trong các sáng kiến này sẽ cùng học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và góp phần lan tỏa kiến thức về liêm chính trong doanh nghiệp, bắt tay vào hành động, đồng thời truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp khác trong việc áp dụng các tiêu chuẩn và thực hành quốc tế.-
*Bài viết thuộc về tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT), được đăng tải lần đầu tiên bằng tiếng Anh trên báo Vietnam Law and Legal magazine ngày 1.6.2017
[1] Chương trình Luật và Vận động chính sách, Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT), cơ quan đầu mối quốc gia của tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) tại Việt Nam.
[2] Nghị Quyết Chính phủ số 21/NQ-CP ngày 12/5, 2009 về chiến lược quốc gia về Phòng, chống tham nhũng đến năm 2020.
[3] Điểm c Khoản 1 Điều 71, Khoản 4 Điều 83, Điểm d Khoản 1 Điều 160, LDN 2014..
[4] Khoản 8 Điều 4, LDN 2014.
[5] Khoản 4 Điều 96, LDN 2014.
[6] Điều 26, Nghị định 50/2016/NĐ-CP của Chính phủ ngày 1/6/2016 Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
[7] Điều 33, Nghị định 108/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 23/9/2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (được sửa đổi trong Nghị định 145/2016/NĐ-CP).
[8] Điều 27, Nghị định 50/2016/NĐ-CP.
[9] Khoản 4 Điều 87, Luật PCTN.
[10] Thời báo Ngân hàng, ‘Công ty niêm yết bắt buộc phải có kiểm toán nội bộ’, ngày 13/12/2016, (http://thoibaonganhang.vn/cong-ty-niem-yet-bat-buoc-phai-co-kiem-toan-noi-bo-57254.html) [truy cập ngày 12/1/2017].
[11] Điều 1, Luật Tố cáo 2011.
[12] Khoản 1 Điều 2, Thông tư 06/2013/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ ngày 30/9/2013 quy định quy trình giải quyết tố cáo.
[13] Điều 17, Nghị định 47/2007/NĐ-CP.
[14] Article 108.2, draft amended AC Law dated August 24, 2016.
[15] Thoi bao doanh nhan, ‘Why do transparent businesses gain more success?’, 2/6/2015,
(http://tbdn.com.vn/vi-sao-doanh-nghiep-minh-bach-thanh-cong-hon_n9320.html) [accessed on January, 23, 2017].
[16] Towards Transparency, 2013 Global Corruption Barometer Views and experiences of Vietnamese citizens, 2013, p.19.