Tiếp nối buổi Tọa đàm về Rừng và Biến đổi Khí hậu đã diễn ra vào ngày 6 tháng 3 năm 2012, Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT) và Ban thư ký Quốc tế của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI-S), phối hợp với Trung tâm Đào tạo và Truyền thông Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Tổ chức Nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế (CIFOR) và Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), tổ chức Hội thảo tập huấn báo chí về Rừng, Biến đổi Khí hậu và REDD+.
Bắt đầu từ ngày 20 tháng 3 năm 2012 tại Hà Nội, hội thảo có sự tham gia của 20 nhà báo đến từ 16 cơ quan báo chí tại Hà Nội và tỉnh Sơn La. Hội thảo nhằm nâng cao kiến thức cho các phóng viên về vai trò của rừng trong ứng phó với biến đổi khí hậu, sáng kiến REDD+ và các sáng kiến tăng cường minh bạch trong xây dựng và thực hiện REDD+ ở Việt Nam. REDD+ vẫn là một lĩnh vực khá mới mẻ và phức tạp, do vậy, các phóng viên đã đặt nhiều câu hỏi về REDD+ cũng như cơ chế chia sẻ lợi ích từ REDD+. Ngoài ra, hội thảo cũng trang bị cho các phóng viên các kỹ năng viết bài sâu và phóng sự về vấn đề môi trường.
Trong hai ngày tiếp theo, 21 và 22 tháng 3 năm 2012, các phóng viên đã đi thực địa ở tỉnh Sơn La, nơi đang thí điểm chương trình chi trả dịch vụ môi trường rừng (PES).Theo quy định của PES, bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng phải chi trả cho bên cung ứng các dịch vụ môi trường rừng như bảo vệ đất, điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất và đời sống xã hội, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính bằng các biện pháp ngăn chặn suy thoái rừng, giảm diện tích rừng. Mục đích của chuyến thực địa là tạo cơ hội cho các phóng viên tìm hiểu về tình hình thực hiện PES tại địa phương, qua đó giúp họ hiểu hơn về chương trình REDD+ tại Việt Nam vì chương trình PES và REDD có cùng cơ chế khuyến khích bảo vệ rừng thông qua việc chi trả cho những nỗ lực bảo vệ rừng. Các phóng viên cũng đã có cơ hội gặp gỡ với đại diện của Chi cục Lâm nghiệp Sơn La, Quỹ PES Sơn La, Công ty cấp nước Sơn La, Chi cục Kiểm lâm, Ủy ban nhân dân xã Chiềng Cọ và Nậm Phăm để có cái nhìn tổng quan về việc thực hiện thí điểm chương trình PES trên địa bàn tỉnh Sơn La. Ngoài ra, các phóng viên cũng đã đến thăm hai xã Chiềng Cọ và Nậm Phăm của tỉnh Sơn La, tìm hiểu việc sử dụng tiền từ PES của các cộng đồng địa phương. Các cuộc trao đổi, thảo luận với chính quyền và người dân địa phương đã giúp các phóng viên hiểu rõ hơn về chương trình PES, đặc biệt là việc thực hiện chi trả PES cũng như việc thực hiện các yêu cầu về minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của các bên liên quan vào chương trình PES.
Trong chuyến đi, các phóng viên cũng đã chia sẻ về những khó khăn mà họ thường gặp phải trong công việc, ví dụ như các cơ quan chức năng thường dè dặt trong việc chia sẻ thông tin với các phóng viên. Theo các phóng viên, chuyến thực địa thật sự là một cơ hội tốt để họ có thể tự mình quan sát, tìm hiểu sự việc, thu thập được những thông tin quan trọng, giúp nâng cao chất lượng tin, bài về các vấn đề rừng, biến đổi khí hậu và REDD+.