Tin tức

Tăng cường minh bạch để thực hiện hiệu quả REDD+ tại Việt Nam

image_pdfimage_print

Ngày 8.5.2012 tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) và Hướng tới Minh bạch (TT) phối hợp với Vườn Quốc gia Bi Doup Núi Bà tổ chức Hội thảo “REDD+ và các yêu cầu quốc tế về xây dựng và triển khai REDD+” tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Hội thảo do Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng chủ trì, thu hút sự tham gia của trên 50 đại biểu, đại diện các ban, ngành địa phương, các chuyên gia trong nước và quốc tế cũng như báo chí. Hội thảo nhằm cập nhật cho các đại biểu về tình hình thực hiện REDD+ tại Lâm Đồng, giới thiệu những yêu cầu quốc tế về nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quá trình thực hiện REDD+.

Trong khuôn khổ chương trình REDD+ quốc gia, Lâm Đồng có hai tỉnh được chọn để tiến hành thí điểm. Lộ trình thực hiện REDD+ hiện đang ở giai đoạn xây dựng năng lực, thể chế và dự kiến đến cuối năm 2012 Việt Nam sẽ sẵn sàng thực thi REDD+. Do dòng tài chính rất lớn mà REDD+ sẽ tạo ra và bản chất kỹ thuật của các kỹ năng quản lý tài chính các-bon mà cơ chế REDD+ đòi hỏi, nguy cơ tham nhũng trong thực thi REDD+ là rất lớn. Các đại biểu tham dự hội thảo đã đặt nhiều câu hỏi về REDD+ và đặc biệt quan tâm đến vấn đề tăng cường minh bạch, trách nhiệm giải trình cũng như sự tham gia giám sát của cộng đồng trong quá trình thực thi REDD+.

Tại Hội thảo, đại diện TI và TT đã giới thiệu sáng kiến PAC REDD, nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường các công cụ và giải pháp phòng ngừa tham nhũng, rà soát mô hình quản trị tài chính khí hậu bền vững và tăng cường sự tham gia của cộng đồng địa phương. Ông Cao Hải Thanh – điều phối viên quốc gia dự án PAC REDD cho biết bộ công cụ và giải pháp phòng ngừa tham nhũng cho REDD+ sẽ được xây dựng phù hợp với điều kiện địa phương và thí điểm ở một số tỉnh trong nước.

Tại hội thảo, các đại biểu đại diện lãnh đạo địa phương cũng đã tham gia góp ý xây dựng bộ công cụ phòng ngừa tham nhũng cho REDD+. Đại biểu đã thảo luận và đề xuất một số giải pháp phù hợp để thực hiện hiệu quả REDD+ tại Việt Nam trên cơ sở phân tích những vướng mắc và điều kiện thực tế của địa phương. Trong số đó có khuyến nghị về việc tăng cường năng lực của Mặt trận tổ quốc tỉnh và các tổ chức đoàn thể xã hội để thực hiện hiệu quả vai trò giám sát độc lập quá trình thực hiện cơ chế REDD+.

Sau Hội thảo, các đại biểu và chuyên gia đã làm việc với các cơ quan phòng chống tham nhũng của tỉnh và tham gia chuyến đi thực địa tại hai huyện Lâm Hà và Di Linh, nơi sẽ thí điểm dự án PAC REDD.

Sáng kiến PAC REDD hiện đang được triển khai thí điểm tại Indonexia, Pa-pua Niu Ghi-nê và Việt Nam.

Dự án PAC REDD hiện đang được thực hiện ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, tại In-đô-nê-xia, Pa-pua Niu Ghi-nê và Việt Nam.