Năm 2016, công tác tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) được tích cực triển khai để làm cơ sở sửa đổi toàn diện Luật và xác định các nhiệm vụ, biện pháp đột phá cho cuộc chiến PCTN 5 năm tới.
Trong bản báo cáo tóm tắt chính sách mới nhất (xuất bản ngày 9/12/2016), tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT), cơ quan đầu mối quốc gia của tổ chức Minh bạch Quốc tế tại Việt Nam, mong muốn đóng góp một cách nhìn nhận độc lập về những ưu, nhược điểm của các quy định trong “Chương VI: Vai trò và trách nhiệm của Xã hội trong PCTN” của Luật PCTN và các văn bản pháp luật liên quan, cũng như những thành tựu và hạn chế trong công tác thực hiện. Đồng thời, báo cáo sẽ đưa ra một số khuyến nghị đối với việc sửa đổi Luật PCTN nhằm phát huy ở mức cao nhất vai trò và trách nhiệm của các chủ thể xã hội.
TỔNG QUAN: XÃ HỘI ĐANG Ở ĐÂU TRONG CUỘC CHIẾN CHỐNG THAM NHŨNG
Vai trò và trách nhiệm của xã hội trong PCTN được quy định tại Chương VI, Luật PCTN năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2012 và được chi tiết hóa trong Nghị định 47/2007/NĐ-CP. Các chủ thể xã hội được đề cập bao gồm:
- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên
- Báo chí
- Doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp, Hiệp hội ngành nghề
- Ban Thanh tra Nhân dân
- Công dân
Ngoài ra, một số đạo luật khác như Luật Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), Luật Báo chí, Luật Thanh tra, Luật Tố cáo, Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn cũng có điều khoản quy định một số khía cạnh cụ thể về vai trò, trách nhiệm và quyền lợi của các chủ thể xã hội trong PCTN.
Ưu điểm:
Việc dành hẳn một chương trong Luật và một Nghị định quy định về vai trò, trách nhiệm của xã hội trong PCTN bên cạnh trách nhiệm trực tiếp của các cơ quan Nhà nước, cho thấy sự công nhận và coi trọng của Nhà nước đối với các chủ thể xã hội trong PCTN.
Nhược điểm:
Chương VI – Luật PCTN và Nghị định 47 đều chưa thể hiện rõ ba vấn đề:
- Xã hội đóng vai trò gì trong PCTN: vai trò chủ yếu/quyết định hay thứ yếu/bổ trợ?
- Các chủ thể xã hội có vị trí như thế nào trong mối quan hệ với các cơ quan nhà nước trong PCTN: là “đối tác” hay “người phụ thuộc”?
- Quyền và những cơ chế, biện pháp đảm bảo cho các chủ thể xã hội tham gia PCTN một cách hiệu quả và bảo vệ họ trước những rủi ro và hệ lụy đến từ đấu tranh chống tham nhũng.
Click để đọc đầy đủ bản tóm tắt chính sách.