Thay đổi cách chúng ta học
Ngày 9 tháng 12 năm 2013, Câu lạc bộ FACE (For A Clean Education – Vì một nền giáo dục sạch) thuộc trường Đại học Hoa Sen đã tổ chức chương trình “Chúng ta có thể ngăn chặn tham nhũng bằng việc thay đổi cách chúng ta học” nhằm hưởng ứng Ngày Quốc tế Phòng, chống tham nhũng.
Thông điệp của chương trình là sinh viên có thể tham gia phòng, chống tham nhũng bằng những việc làm vừa sức, thiết thực: thay đổi cách học và chống tiêu cực cũng như gian lận trong giáo dục. Ban tổ chức tin rằng, muốn xây dựng một xã hội tốt và đẩy lùi được cái xấu, chúng ta cần có những con người ngay thẳng, có lòng tự trọng và có sự trung thực khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Điểm nhấn của chương trình là buổi toạ đàm với chủ đề “Tham nhũng trong giáo dục và xã hội Việt Nam”. Buổi toạ đàm thu hút gần 100 sinh viên, giáo viên cùng với sự tham gia của các khách mời là Bà Bùi Trân Phượng – Hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen, Bà Tôn Nữ Thị Ninh – Chủ tịch hội đồng sáng lập trường Đại Học Tư Thục Trí Việt, Tiến sĩ Phạm Quốc Lộc – Chủ tịch câu lạc bộ FACE, trưởng khoa Ngôn Ngữ và Văn Hóa Học, Cô Nguyễn Thị Thu Hà, quản lý dự án đài PTTH Bình Dương, Tiến sĩ Đỗ Bá Khang – trưởng khoa Kinh tế và Thương mại, cùng một đại diện từ TT.
Đọc thêm: Tham nhũng trong giáo dục ở Việt Nam.
Bên cạnh giới thiệu tổng quan của TT về thực trạng tham nhũng trong giáo dục tại Việt Nam cũng như những kết quả chính của Báo cáo Tham nhũng Toàn cầu: Giáo dục, buổi toạ đàm trở nên sôi nổi với phần thảo luận giữa khách mời và các bạn sinh viên. Theo đó, bà Tôn Nữ Thị Ninh bày tỏ lo ngại về sự bào mòn các giá trị trong thanh niên, đồng thời thể hiện rõ quan điểm không ủng hộ sự thoả hiệp với những hành động tham nhũng vặt. Bà khuyến khích các sinh viên không nên làm theo những thói quen xấu hay tiếp tay cho tham nhũng.
Trong khi đó, Bà Bùi Trân Phượng cho rằng nền giáo dục Việt Nam đang thiếu đi tính trung thực và sự liêm chính trong học hành. Thay vào đó là thói quen gian dối như sao chép, không trích nguồn, gian lận trong thi cử, đi phong bì giáo viên. Qua những câu chuyện thật của mình, bà Phượng chia sẻ với sinh viên rằng học thật là cần thiết để phát triển bản thân và là điều có thể làm được. Bà tin rằng để tái tạo niềm tin và giúp thế hệ trẻ nói không với nhũng nhiễu, thì tính trung thực phải được dạy từ sớm trong nhà trường.
Đọc thêm:
- Liêm chính học thuật: Lặng im hay Lên tiếng?
- Chiến dịch Tôi học thật
- Cuộc thi truyền thông “Sống Liêm chính”
Bên lề buổi toạ đàm, buổi trưng bày mô tả cuộc hành trình từ nguyên nhân, thực trạng đến hậu quả của việc học tập thiếu liêm chính đã thu hút hơn 250 lượt tham quan. Câu chuyện về học thật được thể hiện đa dạng và sáng tạo dưới nhiều hình thức như tranh cổ động, “cây học thật”, “hộp đen”, “người sao chép”.
Chương trình là hoạt động trong khuôn khổ dự án hợp tác “THAY ĐỔI cách chúng ta học” giữa trường Đại học Hoa Sen và Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT). Dự án hướng tới đề cao và thúc đẩy sự liêm chính trong học tập cho sinh viên và giảng viên trường Đại học Hoa Sen.