Đánh giá Quyền tiếp cận thông tin tại Việt Nam: Điểm số và thứ hạng của Việt Nam tăng đáng kể
Tháng 4/2019 vừa qua, Tổ chức Hướng tới Minh bạch – Cơ quan đầu mối Quốc gia của Tổ chức Minh Bạch Quốc Tế (TI) tại Việt Nam và Trung tâm Pháp luật và Dân chủ – Canada đã hợp tác rà soát khung khổ pháp luật về quyền tiếp cận thông tin (TCTT) của Việt Nam. Theo đó, Việt Nam đạt 76 trên 150 điểm, xếp hạng 78 trên tổng số 123 quốc gia đã ban hành luật về quyền TCTT.
Quá trình rà soát được thực hiện dựa trên Phương pháp đánh giá quyền tiếp cận thông tin – Right to Information Rating (gọi tắt là Phương pháp đánh giá RTI) – một phương pháp tiêu chuẩn được các tổ chức quốc tế, chuyên gia công nhận và sử dụng trên phạm vi toàn cầu. Các văn bản được rà soát bao gồm: Luật TCTT 2016, Nghị định số 13/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật TCTT (sau đây gọi tắt là Nghị định số 13) và một số văn bản pháp luật chuyên ngành liên quan.
Trước đây, kể từ năm 2016 đến năm 2018, Trung tâm Pháp luật và Dân chủ đã tiến hành đánh giá Luật TCTT của Việt Nam. Kết quả vào tháng 9/2018 cho thấy Luật TCTT của Việt Nam chỉ đạt 69 trên 150 điểm và xếp hạng 97 trên tổng số 123 quốc gia có ban hành luật này trên thế giới. Như vậy, điểm số và thứ hạng của Việt Nam hiện nay đã tăng đáng kể (7 điểm và 19 bậc) so với kết quả đánh giá năm 2018.
Tại sao có sự cải thiện này?
Việc cải thiện điểm số và thứ hạng của Việt Nam như trên một phần xuất phát từ việc Chính phủ ban hành Nghị định số 13 làm rõ một số quy định về tuyên truyền, phổ biến quyền TCTT theo Luật TCTT 2016. Mặt khác, Tổ chức Hướng tới Minh bạch đã hỗ trợ Trung tâm Pháp luật và Dân chủ rà soát bổ sung một số quy định liên quan trực tiếp đến vấn đề bảo vệ quyền TCTT nhưng chỉ được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật chuyên ngành, gồm: Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tố tụng Hành chính, Bộ luật Hình sự và Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Từ đó, Trung tâm Pháp luật và Dân chủ có cơ sở xem xét trong quá trình tính điểm cho Việt Nam (vui lòng tham khảo Bảng Kết quả đánh giá trong Phụ lục đính kèm).
Tăng điểm, tuy nhiên còn nhiều bất cập
Mặc dù điểm số Luật TCTT của Việt Nam năm 2019 tăng 7 điểm và 19 bậc so với kết quả đánh giá năm 2018, tuy nhiên, theo Phương pháp đánh giá RTI cho thấy khung khổ pháp luật hiện hành về quyền TCTT của Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập và chưa thực sự phản ánh được các chuẩn mực quốc tế. Điển hình là việc một số quy định về ngoại lệ và từ chối cung cấp thông tin trong Luật TCTT hiện quá rộng, thiếu căn cứ hướng dẫn. Điều này có thể dẫn tới rủi ro trong việc tuỳ tiện áp dụng bởi các cơ quan chức năng. Mặt khác, việc không có một cơ chế khiếu nại, tố cáo đủ độc lập cũng như thiếu quy định về chế tài xử lý vi phạm đối với hành vi vi phạm quyền TCTT của các cơ quan chức năng cũng là một trở ngại nhất định đối với quá trình thực thi quyền này tại Việt Nam.
“Chúng tôi vui mừng khi thấy Việt Nam có một khung khổ pháp lý tốt hơn về quyền TCTT”. Ông Toby Mendel, Giám đốc điều hành của Trung tâm Pháp luật và Dân chủ cho biết. “Chúng tôi hy vọng rằng Việt Nam sẽ có cơ chế thực thi hiệu quả các quy định về quyền TCTT trên thực tế cũng như cân nhắc sửa đổi một số nội dung còn hạn chế của Luật TCTT trong thời gian tới.”
Hiện nay, Luật TCTT 2016 và Nghị định số 13 đã có hiệu lực được 10 tháng kể từ ngày 1/7/2018. Tổ chức Hướng tới Minh bạch nhận thấy có rất ít những tín hiệu phản ánh sự hiệu quả trong công tác thực thi Luật này tại Việt Nam. Một mặt, nhận thức của người dân về các quy định pháp luật về TCTT chưa đầy đủ. Mặt khác, hiện vẫn thiếu các nỗ lực hiệu quả để tạo điều kiện cho người dân thực thi quyền TCTT tại các địa phương trên cả nước.
“Quyền TCTT là một quyền hiến định của công dân. Thực thi tốt quyền này góp phần tăng cường sự tham gia của người dân vào công tác phòng, chống tham nhũng cũng như tính minh bạch, trách nhiệm giải trình của Chính phủ.” Bà Nguyễn Thị Kiều Viễn, Giám đốc điều hành Tổ chức Hướng tới Minh bạch nhấn mạnh. “Để đảm bảo quyền TCTT được thực thi trên thực tế, sự tích cực, chủ động thực hiện từ phía người dân cũng như sự tuân thủ pháp luật của các cơ quan Nhà nước là những yếu tố tiên quyết.”
Tìm hiểu thông tin về Phương pháp đánh giá RTI: www.RTI-Rating.org.
Để biết thêm chi tiết, vui lòng liên hệ:
Chị Tống Diệu Quỳnh
Cán bộ truyền thông
Tổ chức Hướng tới Minh bạch
Email: [email protected]
Điện thoại: +84 376 079 528
Website: www.towardstransparency.org