Tin tức

Việt Nam cần xây dựng chuẩn mực liêm chính học thuật để thu hẹp khoảng cách với thế giới

image_pdfimage_print

Bên cạnh các nỗ lực cải cách giáo dục trong nước, chất lượng giáo dục của Việt Nam vẫn thể hiện nhiều hạn chế so với khu vực và thế giới. Đặc biệt, nền giáo dục Việt Nam vẫn còn tồn tại những hiện tượng phi liêm chính trong học thuật gây nhiều bức xúc trong dư luận, như sao chép, đạo văn đối với các bài viết, bài luận, thậm chí cả các công trình nghiên cứu khoa học thay vì trích dẫn nghiêm túc, ‘đi thầy’, ‘chạy điểm’, ‘mua’ luận án, luận văn, thuê người viết bài hộ, thuê người học thay….

Vấn đề liêm chính học thuật đã được đưa ra thảo luận trong cộng đồng các trường đại học của Việt Nam lần đầu tiên trong Hội nghị Liêm chính học thuật do Đại học Hoa Sen (Tp. HCM) phối hợp với tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT) tổ chức vào tháng 6 /2015.

Các đại biểu tham dự hội nghị đã thống nhất rằng để đảm bảo liêm chính trong học tập, giảng dạy và nghiên cứu, một trong những bước đi đầu tiên là xây dựng mạng lưới liêm chính học thuật. Thông qua mạng lưới này, các trường đại học sẽ cùng xây dựng và triển khai định hướng chiến lượcgiải pháp thực tế cho vấn đề liêm chính học thuật.

Tiếp nối thành công của hội nghị lần thứ nhất, vào ngày 9 / 9 / 2016, trường Đại học Hàng Hải Việt Nam đã đăng cai tổ chức Hội nghị Liêm chính học thuật toàn quốc lần thứ hai tại Hải Phòng.

Đại diện của trường cho biết, đây là nỗ lực nhằm hỗ trợ sự phát triển của mạng lưới liêm chính học thuật non trẻ, góp phần đưa chất lượng đào tạo, nghiên cứu của Việt Nam lại gần với tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.

Trong hội nghị lần hai, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Đoàn Thể, đại diện trường Kinh tế Quốc dân là đơn vị đang sử dụng phần mềm chống đạo văn chia sẻ kinh nghiệm và kết quả từ khi sử dụng, đồng thời đưa ra khuyến nghị tới các trường có nhu cầu tìm hiểu, sử dụng phần mềm và với đơn vị cung ứng phần mềm để cải tiến sản phẩm phù hợp hơn với thị trường Việt Nam.

Ông Phạm Ánh Dương, Phó Giám đốc của TT khuyến nghị các trường nên hợp tác trong việc thiết lập chuẩn mực về liêm chính học thuật và xây dựng Diễn đàn trực tuyến tích hợp các công cụ để công khai Chương trình Liêm chính học thuật của mỗi trường.

Các đại biểu đều mong muốn tiếp tục duy trì liên lạc trong mạng lưới và các thành viên hỗ trợ lẫn nhau trong việc triển khai Chính sách Liêm chính học thuật nói chung và phần mềm chống đạo văn nói riêng.

Từ năm 2013, TT đã hợp tác với Đại học Hoa Sen để thúc đẩy Liêm chính học thuật thông qua dự án ‘Thay đổi cách chúng ta học’.

Trong lần hợp tác này với Đại học Hàng Hải cũng như với các trường đại học khác trong tương lai, TT mong muốn hỗ trợ duy trì mạng lưới Liêm chính học thuật non trẻ và kết nối các chương trình hành động của thanh niên và doanh nghiệp.

Cụ thể, trong khuôn khổ chiến lược 2016 – 2020, để đảm bảo mục tiêu hỗ trợ ‘sinh viên đại học và thanh niên mới đi làm lựa chọn giá trị Liêm chính và nói KHÔNG với tham nhũng,’ TT sẽ đẩy mạnh việc kết nối thanh niên, sinh viên và các trường đại học với doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong mạng lưới đối tác, hợp tác của TT.

Các tham luận trình bày trong Hội nghị Liêm chính học thuật lần 2:

  • Tham luận 1: Tiến sĩ Trần Long Giang – Viện Nghiên cứu Phát triển trường Đại học Hàng Hải Việt Nam (VMU) trình bày “Sử dụng phần mềm chống đạo văn để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học tại trường Đại học Hàng hải Việt Nam”
  • Tham luận 2: Bà Phạm Thanh Thuỷ – Turnitin, iGroup Vietnam trình bày “Cách mạng hoá trải nghiệm kỹ năng học viết”
  • Tham luận 3: Bà Ngô Tố Hoa – Turnitin, iGroup Vietnam trình bày “Đề xuất xây dựng cơ sở dữ liệu Luận án – Luận văn quốc gia”
  • Tham luận 4: Tiến sĩ Mike Perkins – Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) trình bày “Phát hiện và ngăn chặn việc sử dụng dịch vụ viết bài luận”
  • Tham luận 5: Phó Giáo sư Tiến sĩ Trương Đoàn Thể – Đại học Kinh tế Quốc dân trình bày “Liêm chính học thuật tại trường ĐH Kinh tế Quốc dân: Minh bạch và trách nhiệm giải trình của một trường Đại học tự chủ”
  • Tham luận 6: Giáo sư Gael McDonald – Đại học RMIT Việt Nam trình bày “Chiến lược định hướng Liêm chính học thuật trong giáo dục bậc Đại học tại Việt Nam”
  • Tham luận 7: Ông Phạm Ánh Dương – Tổ chức Hướng tới minh bạch trình bày “Diễn đàn Liêm chính học thuật trực tuyến”