Việt Nam cần xây dựng cơ chế hợp tác và tham vấn thường xuyên hơn giữa Nhà nước và các tổ chức xã hội trong phòng, chống tham nhũng
Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT) – Cơ quan đầu mối quốc gia của tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) tại Việt Nam đánh giá cao vai trò và sự tham gia của các tổ chức xã hội tại Việt Nam trong phòng, chống tham nhũng (PCTN) trong gần một thập niên qua. Mặt khác, chúng tôi nhận thấy khuôn khổ pháp lý và thực tiễn tại Việt Nam vẫn tồn tại một số trở ngại đáng kể đối với sự tham gia tích cực của các tổ chức xã hội trong lĩnh vực này, ví dụ như Luật PCTN và Nghị định 47 chưa có quy định cụ thể về vai trò và trách nhiệm của các tổ chức xã hội khác ngoài Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên.
Nhân ngày quốc tế phòng, chống tham nhũng (9/12/2016), TT khuyến nghị Nhà nước và Chính phủ xem xét việc tạo ra một cơ chế hợp tác thường xuyên và cởi mở hơn giữa Nhà nước và các tổ chức xã hội.
Theo Công ước Liên Hợp quốc về Chống tham nhũng (UNCAC) mà Việt Nam là quốc gia thành viên từ năm 2009, Chính phủ Việt Nam có trách nhiệm thúc đẩy và đảm bảo sự tham gia của các cá nhân và tổ chức ngoài khu vực nhà nước trong phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng. Lãnh đạo cấp cao của Nhà nước và Chính phủ Việt Nam cũng đã đưa ra những thông điệp mạnh mẽ khẳng định vai trò quan trọng của toàn xã hội trong PCTN. Vì vậy, TT kêu gọi Nhà nước và Chính phủ cụ thể hoá các cam kết bằng cách thiết lập cơ chế hợp tác và tham vấn định kỳ giữa Nhà nước và các tổ chức xã hội ngoài Mặt trận tổ quốc, như một số tổ chức hội, tổ chức phi chính phủ Việt Nam, công ty phi lợi nhuận và các tổ chức cộng đồng.
Đồng thời, để đảm bảo cho các tổ chức xã hội phát huy tối đa năng lực và trở thành đối tác đáng tin cậy của Nhà nước trong việc huy động sự tham gia của toàn xã hội vào PTCN, Nhà nước cần bổ sung các quy định cụ thể về vai trò, trách nhiệm của các tổ chức xã hội này trong Luật PCTN và các văn bản chính sách, pháp luật liên quan.
Tại Việt Nam, ngoài Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, ngày càng nhiều các tổ chức xã hội tham gia hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến PCTN. Trong thực tế, bằng vốn hiểu biết sâu sắc về thực tiễn tại địa phương cộng với khả năng tiếp cận tới kinh nghiệm quốc tế có chọn lọc, một số tổ chức xã hội đã và đang đóng góp ý kiến quý báu cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về PCTN. Đơn cử, khi Việt Nam chuẩn bị thông qua Luật Tiếp cận thông tin (TCTT), Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân PPWG – mạng lưới bao gồm các tổ chức xã hội – đã đóng góp ý kiến liên quan đến việc xây dựng đạo luật này tại các hội thảo chuyên đề và đối thoại chính sách. Kết quả, một số ý kiến và khuyến nghị của PPWG đã được phản ánh một phần trong Luật TCTT.
Các tổ chức xã hội cũng thường xuyên cung cấp cho các cơ quan Nhà nước và người dân những nghiên cứu thực chứng về tham nhũng và PCTN góp phần giúp định hướng chính sách, ví dụ như “Chỉ số quản trị và hành chính công cấp tỉnh” (PAPI) do Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES) phối hợp thực hiện với Chương trình Phát triển của Liên Hợp quốc (UNDP), “Khảo sát Liêm chính trong thanh niên Việt Nam” (YIS) do TT, CECODES và Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) hợp tác thực hiện …Số liệu từ các nghiên cứu này đã được trích dẫn trong báo cáo về PCTN của các cơ quan chính phủ (YIS) và được một số bộ ngành ở Trung ương và nhiều địa phương nghiên cứu, sử dụng trong công tác cải cách hành chính (PAPI).
Ngoài ra, một số tổ chức xã hội đã triển khai các hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức pháp luật về công khai, minh bạch trong các lĩnh vực đất đai, thuế và ngân sách địa phương, dân chủ cơ sở, khiếu nại-tố cáo và PCTN đến người dân. Ví dụ, trong khuôn khổ Chương trình Sáng kiến PCTN Việt Nam (VACI) do Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới tổ chức từ năm 2009 đến 2015, các tổ chức như Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD) và Trung tâm Truyền thông Giáo dục Cộng đồng (MEC) đã thực hiện nhiều hoạt động đa dạng như hội thảo, tập huấn, giao lưu trực tuyến, đối thoại chính sách, thi vẽ tranh biếm hoạ… để lan toả và phổ cập kiến thức cho người dân. Nhờ sử dụng phương pháp tiếp cận có sự tham gia của người dân, các hoạt động này đều chứng minh được tính hiệu quả rõ rệt.
Với một số điển hình thực tế như trên, chúng tôi tin rằng việc Nhà nước đảm bảo các quy định pháp lý và tạo ra cơ chế hợp tác cởi mở và liên tục với các tổ chức xã hội sẽ giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu đề ra trong việc PCTN hiệu quả và bền vững hơn. Một mặt, cơ chế hợp tác sẽ giúp các cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương giải quyết những khúc mắc trong quản lý hoạt động của các tổ chức xã hội, đồng thời góp phần tối ưu hoá nguồn lực của các tổ chức xã hội trong việc thực hiện hoạt động. Mặt khác, một cơ chế tham vấn thường xuyên hơn sẽ đưa Việt Nam tiệm cận quy định của UNCAC về đảm bảo sự tham gia của các tổ chức và cá nhân ngoài khu vực Nhà nước.
Đọc thêm: Tóm tắt chính sách về vai trò và sự tham gia của xã hội trong phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam.