Tin tức

Trực tiếp trao đổi với luật sư, người dân nông thôn có thêm kiến thức pháp luật và hiểu biết về phòng, chống tham nhũng

image_pdfimage_print

Ngày 17 tháng 9 năm 2015, Trung tâm tư vấn pháp luật và vận động chính sách (ALAC) đã tổ chức chương trình tư vấn pháp luật lưu động cho người dân tại xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Thông qua việc tư vấn, giải đắp thắc mắc và trao đổi thẳng thắn với người dân và cán bộ địa phương, các cán bộ của ALAC càng hiểu rõ hơn tầm quan trọng của việc cung cấp thông tin, kiến thức pháp luật cho người dân trong từng hoạt động của trung tâm.

Luật sư trực tiếp giải đáp thắc mắc của người dân địa phương

Đông Phương Yên là một xã thuộc huyện Chương Mỹ, vốn thuộc tỉnh Hà Tây trước khi Hà Tây được sát nhập vào thành phố Hà Nội, do vậy người dân gặp phải rất nhiều khó khăn với các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai như chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nộp thuế sử dụng đất, phân chia tài sản thừa kế liên quan đến quyền sử dụng đất, xin cấp sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), minh bạch thông tin…

Đến với buổi tư vấn pháp luật, người tham dự với đa số là nông dân, đã được các luật sư của ALAC tư vấn trực tiếp đối với những vụ việc đơn giản. Đối với các vụ việc phức tạp, các luật sư tiếp nhận thông tin để tiếp tục nghiên cứu và tìm ra hướng giải quyết phù hợp cho người dân sau buổi tư vấn lưu động này.

Giới thiệu ALAC – địa chỉ trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân

Ông Nguyễn Phú Thắng, đại diện VIJUSAP đã giới thiệu về ALAC – một mô hình phòng, chống tham nhũng hiệu quả được tổ chức Minh bạch Quốc tế xây dựng và phát triển trong nhiều năm qua.

ALAC được thành lập trên cơ sở sự hợp tác giữa TT và VIJUSAP. ALAC cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người nghèo, nhóm yếu thế, nạn nhân và nhân chứng của tham nhũng và các đối tượng có liên quan.

Đồng thời, ALAC có chức năng nghiên cứu, vận động chính sách và đề xuất sửa đổi, bổ sung pháp luật để góp phần thực hiện hiệu quả pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Người dân địa phương tỏ rõ sự quan tâm đối với các dịch vụ miễn phí của ALAC. Các lãnh đạo địa phương cũng nhiệt tình hưởng ứng và sẵn sàng ủng hộ các hoạt động hợp tác trong tương lai.

Tiếp tục tìm hiểu thông tin về ALAC tại đây.

Thông tin cho người dân địa phương về tình hình phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam

Luật sư Nguyễn Văn Hoàng, Giám đốc ALAC chia sẻ một số nét khái quát về công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam trong những năm gần đây, giúp người dân và cán bộ địa phương hiểu thêm về những bất cập và các thách thức trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng.

Luật sư Hoàng cũng giới thiệu về hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan và đưa ra một số phác thảo về kiến nghị hoàn thiện pháp luật phòng, chống tham nhũng để mọi người tham gia suy nghĩ và trao đổi.

Các luật sư và tư vấn viên trong đoàn đã giới thiệu tới người dân và giải đáp các thắc mắc của họ xung quanh một số nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là các quy định về quyền và nghĩa vụ liên quan của người dân.

Tìm hiểu các quy định của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng

Luật sư Nguyễn Đăng Thái của ALAC đã lựa chọn một số nội dung cơ bản của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) để phổ biến đến cán bộ và nhân dân địa phương thông qua các ví dụ và tình huống cụ thể.

Người dân sôi nổi tham gia cuộc thảo luận diễn ra sau đó. Họ chỉ ra các hành vi tham nhũng xảy ra trong cuộc sống hàng ngày và những trăn trở, suy nghĩ của họ về đạo đức, liêm chính của mỗi con người trong từng vụ việc.

Đọc thêm: Báo cáo khảo sát “Hỗ trợ chính phủ đánh giá thực thi Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng ở Việt Nam (UNCAC) 2011.”