Tin tức

Trao đổi thông tin khoa học liên quan tới Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2015 của Chính phủ

image_pdfimage_print

Hà Nội, ngày 5 tháng 11 năm 2015, Tổ chức Hướng tới Minh Bạch (TT) chia sẻ thông tin khoa học từ Khảo sát liêm chính trong thanh niên Việt Nam 2014 (YIS 2014) và Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) nhằm hỗ trợ các đại biểu Quốc hội khoá XIII, các cơ quan hữu quan và báo chí trong việc nghiên cứu Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2015 của Chính phủ.

YIS 2014 cho thấy các chương trình giáo dục PCTN chính thức chưa thực sự tác động đến quan điểm về liêm chính của thanh niên

Tại kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khoá XIII, Tổng Thanh tra Chính phủ thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày báo cáo công tác PCTN năm 2015. Báo cáo đưa ra nhận định “Việc đưa nội dung PCTN vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo bước đầu có tác dụng trong việc nâng cao nhận thức về PCTN của học sinh, sinh viên và thế hệ trẻ”. Trong phần chú thích cho nhận định này, Báo cáo có đề cập tới một số kết quả [1] từ YIS 2014 do TT điều phối thực hiện cùng một số đối tác [2].

Tuy nhiên, cũng theo kết quả từ báo cáo YIS 2014, khi tìm hiểu về tác động của giáo dục PCTN đối với thanh niên, 74% thanh niên được hỏi cho biết họ không nắm được hoặc biết rất ít thông tin về các quy định, chính sách liên quan đến tăng cường liêm chính và đấu tranh PCTN [3] (con số này là 73% trong khảo sát 2011). Và, chỉ có 18% thanh niên cho biết họ được giáo dục về PCTN tại trường hoặc tại cơ sở giáo dục khác.

Nói cách khác, YIS 2014 chưa ghi nhận bất kỳ sự gia tăng nào về tác động của các chương trình giáo dục PCTN đối với thanh niên. Nguyên nhân lý giải điều này có thể là do Đề án 137 của Chính phủ về việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng chỉ mới bắt đầu được triển khai rộng rãi từ năm học 2013-2014.

Kết quả khảo sát YIS 2014 cũng cho thấy mặc dù thanh niên Việt Nam hiểu và đề cao giá trị liêm chính nhưng vẫn còn một khoảng cách lớn giữa nhận thức và hành động. Thanh niên có xu hướng dễ dàng thoả hiệp hơn, nhất là để đảm bảo lợi ích cho gia đình và bạn bè.

Kết quả CPI của Việt Nam không thay đổi trong ba năm liên tiếp (2012 – 2014)

Trong phần nhận xét, đánh giá về công tác PCTN của Việt Nam, Báo cáo của Chính phủ đề cập đến chỉ số CPI [4] do TI công bố tháng 12/2014, theo đó, Việt Nam đạt 31/100 điểm. Báo cáo nhận định: “So với năm 2010 (CPI) đã tăng 0,4 điểm, gấp đôi mức tăng trong giai đoạn 10 năm từ 2000-2010” và chú thích: “ Tổ chức Minh bạch Quốc tế khảo sát, cho điểm về tình hình tham nhũng của Việt Nam năm 2000 đạt 2,5 điểm. Đến năm 2010 vẫn chỉ đạt 2,7 điểm (tăng 0,2 điểm sau 10 năm). Năm 2014 Việt Nam đạt 3,1 điểm (tăng 0,4 điểm sau 4 năm).”

Tuy nhiên, từ năm 2012, TI đã tiến hành cải tiến phương pháp xây dựng chỉ số CPI, với thang điểm 0 – 100, thay cho thang điểm 0 – 10 của giai đoạn trước đó [5]. Điều này cũng có nghĩa là điểm số CPI 2012 sẽ không thể so sánh được với điểm số CPI 2011 và các năm trước đó. Việc so sánh điểm số giữa các năm chỉ có thể thực hiện được từ năm 2013.

Theo đó, điểm số CPI của Việt Nam không thay đổi trong ba năm liên tiếp (2012-2014) và đứng ở mức 31/100.

TT rất trân trọng việc Thanh tra Chính phủ cũng như các tổ chức và cá nhân đã quan tâm, sử dụng các dữ liệu và kết quả nghiên cứu do TT điều phối thực hiện trong khuôn khổ Chương trình TI tại Việt Nam. Chúng tôi cam kết sẽ nỗ lực cung cấp các thông tin khoa học cập nhật để hỗ trợ các nỗ lực phòng, chống tham nhũng của quốc gia.

Chúng tôi hy vọng việc trao đổi thông tin sẽ giúp các bên liên quan có được bức tranh tổng thể về tình hình tham nhũng và công tác PCTN tại Việt Nam, từ đó góp phần xây dựng các chính sách và hoạt động hiệu quả.

###

Minh bạch Quốc tế (TI) là một tổ chức xã hội dân sự toàn cầu đi đầu trong phong trào đấu tranh chống tham nhũng.

Hướng tới Minh bạch (TT) là cơ quan đầu mối quốc gia của tổ chức Minh bạch Quốc tế tại
Việt Nam, hoạt động với mục tiêu góp phần vào công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng ở Việt Nam.

[1] Các số liệu từ YIS được sử dụng trong báo cáo của Chính phủ gồm có: 94% thanh niên cho rằng trung thực quan trọng hơn giàu có; 82% cho rằng tuân thủ pháp luật và liêm chính quan trọng hơn giàu có. 95% cho rằng một người liêm chính không nhận hoặc đưa hối lộ. 85% cho rằng thiếu liêm chính rất nguy hại cho đất nước, gia đình và bản thân họ. 87% sẵn sàng tham gia vào các sáng kiến phòng, chống tham nhũng, 81% sẵn sàng vận động bạn bè không đưa phong bì; 89% tự hứa không gian lận tại trường học, nơi làm việc.

[2] YIS 2014 do TI/TT phối hợp cùng Cecodes và Live&Learn thực hiện, với sự tài trợ của DFAT, DFID, IrishAid và Đại sứ quán Phần Lan tại Hà Nội.

[3] Báo cáo YIS 2014, trang 11.

[4] Kể từ khi ra mắt lần đầu tiên vào năm 1995, chỉ số CPI đã được coi là một công cụ hữu hiệu để nâng cao nhận thức về vấn đề tham nhũng ở cấp độ toàn cầu, khuyến khích các chính phủ tích cực phòng, chống tham nhũng trong khu vực công.

[5] Mục đích của việc cải tiến phương pháp luận của chỉ số CPI là để các nước được đánh giá và xếp hạng có thể so sánh được điểm số CPI của nước mình theo thời gian.

Ảnh: Zing.vn