Trải nghiệm của người dân về tham nhũng
(*) Dữ liệu trong bài viết được sử dụng từ nguồn Phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu năm 2013 do tổ chức Minh bạch Quốc tế thực hiện thông qua sự điều phối của cơ quan đầu mối tại Việt Nam là tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT). Bạn có thể đọc toàn văn báo cáo tại đây.
Trải nghiệm về tham nhũng theo lĩnh vực
Theo Phong vũ Biểu Tham nhũng toàn cầu năm 2013, 30% số người Việt Nam được hỏi đã phải đưa hối lộ ít nhất một lần cho một trong số tám lĩnh vực dịch vụ công cơ bản là: cảnh sát, dịch vụ y tế, dịch vụ đất đai, giáo dục, tư pháp, dịch vụ đăng ký và xin giấy phép, thuế và hải quan và các dịch vụ tiện ích.
Rất nhiều người được hỏi đã phải đưa hối lộ vài lần trong năm 2013 trong các lĩnh vực khác nhau hoặc hối lộ nhiều lần trong cùng một lĩnh vực. Trong một số trường hợp, những người được hỏi đã phải hối lộ cảnh sát, nhân viên ngành giáo dục, tư pháp và y tế tới hơn 5 lần trong năm 2013.
Cảnh sát (chủ yếu là cảnh sát giao thông[1]), y tế và đất đai là các lĩnh vực có mức độ xảy ra tham nhũng nhiều nhất theo trải nghiệm thực tế của người dân.
Hình 01: Tỉ lệ (%) người dân Việt Nam đã từng đưa hối lộ khi tiếp xúc với bất kỳ lĩnh vực nào trong số 8 lĩnh vực được chọn trong năm 2013
So sánh tỷ lệ cư dân đô thị ở 5 thành phố được khảo sát trong năm 2010 và 2013 cho thấy số người đã đưa hối lộ có xu hướng tăng (49% số người được hỏi đã đưa hối lộ năm 2013, so với 40% năm 2010). Thực tế này khẳng định lại cảm nhận của người dân rằng tham nhũng đang tăng lên. Trong khi hối lộ ở các lĩnh vực như giáo dục, thuế/hải quan, các dịch vụ tiện ích, dịch vụ đăng ký và cấp giấy phép có xu hướng giảm thì các lĩnh vực khác như cảnh sát, tư pháp và dịch vụ đất đai lại ghi nhận xu hướng hối lộ tăng.
Hình 02: Tỉ lệ (%) người dân Việt Nam đã từng đưa hối lộ khi tiếp xúc với một trong số 8 lĩnh vực đã nêu: so sánh giữa năm 2010 và năm 2013
Những khoản hối lộ mà những người được hỏi đã đưa có giá trị trung bình khác nhau [2] tùy theo lĩnh vực mà họ tiếp xúc, thấp nhất là những khoản hối lộ cho dịch vụ đăng ký và cấp giấy phép và cao nhất là những khoản hối lộ trong lĩnh vực tư pháp.
Những con số này dường như khẳng định lại kết quả của một số khảo sát trước đây về giá trị trung bình của những khoản hối lộ mà người dân Việt Nam đã đưa. Cụ thể, một khoản trung bình 486.257 đồng (khoảng 24 đô la Mỹ) được hối lộ cho ngành giáo dục rơi vào khoảng chính giữa của mức cao nhất và thấp nhất ước tính trong Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2012 (PAPI 2012) là 98.000 – 572.000 đồng (khoảng 5 – 27,5 đô la Mỹ)[3]. Tương tự, một khoản trung bình 422.800 đồng (khoảng 21 đô la Mỹ) được hối lộ cho lĩnh vực dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe rơi vào khoảng trung bình của một khoản hối lộ cho bác sỹ ở một bệnh viện cấp quận/huyện (200.000 đồng, tương đương 10 đô la Mỹ) và hối lộ cho bác sỹ ở một bệnh viện cấp trung ương (500.000 – 1 triệu đồng, tuong đương 25-50 đô la Mỹ)[4]. Trong khi đó, mức lương tháng trung bình năm 2012 của người dân ở Việt Nam là khoảng 3,84 triệu đồng (khoảng 185 đô la Mỹ)[5].
BẢNG 01: GIÁ TRỊ TRUNG BÌNH CỦA NHỮNG KHOẢN HỐI LỘ, THEO LĨNH VỰC
Những lý do đưa hối lộ
Theo kết quả khảo sát, lý do phổ biến nhất của việc đưa hối lộ ở Việt Nam là để đẩy nhanh tiến độ giải quyết công việc (bôi trơn). Đây cũng là lý do phổ biến nhất của việc đưa hối lộ ở các nước được khảo sát trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, tỷ lệ người được hỏi ở Việt Nam đưa hối lộ vì “đó là cách duy nhất để được việc” (được phục vụ) là cao nhất trong số các nước được khảo sát trong khu vực.
Ở Việt Nam, có vẻ như cư dân nông thôn đưa hối lộ như một món quà hay để thể hiện sự biết ơn nhiều hơn cư dân đô thị. 27% cư dân nông thôn được hỏi đã từng đưa hối lộ trong năm 2013 nói rằng họ coi đó là một món quà hoặc để thể hiện sự biết ơn, trong khi đó con số này ở cư dân đô thị là 19%. Cư dân đô thị lại có vẻ như muốn đưa hối lộ để đẩy nhanh tiến độ giải quyết công việc nhiều hơn so với cư dân nông thôn (51% so với 35%). Tỷ lệ cư dân đô thị so với cư dân nông thôn đưa hối lộ như là cách duy nhất để được việc (được phục vụ) cũng có sự khác biệt nhỏ (27% so với 24%).
Tuy nhiên, những người trẻ hơn (30 tuổi trở xuống) có xu hướng coi những khoản hối lộ là “cách duy nhất để được việc” nhiều hơn so với những người lớn tuổi hơn (29% so với 24%).
Cũng có vẻ như người dân Việt Nam ngày càng coi hối lộ là cách thức duy nhất để giải quyết được công việc. So sánh các câu trả lời của cư dân đô thị ở 5 thành phố được khảo sát trong năm 2010 and 2013 cho thấy có sự giảm đi đáng kể tỷ lệ người được hỏi nói rằng họ đưa hối lộ để đẩy nhanh tiến độ giải quyết công việc (từ 82% xuống còn 59%), trong khi tỷ lệ người đưa hối lộ để “được việc” tăng từ 6% lên 24%.
BẢNG 02: LÝ DO ĐƯA HỐI LỘ (ĐÔNG NAM Á)
[1] 90% những người đã từng đưa hối lộ cho cảnh sát cho biết lần gần đây nhất họ đã đưa hối lộ cho cảnh sát giao thông.
[2] Giá trị trung bình của khoản hối lộ cho lĩnh vực dịch vụ tiện ích không được nêu trong báo cáo do có quá ít người được hỏi nhớ được giá trị chính xác của khoản hối lộ gần nhất mà họ đã đưa.
[3] CECODES, VFF-CRT và UNDP (2013) Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2012: Đo lường những trải nghiệm của người dân. Báo cáo nghiên cứu chính sách do Trung tâm Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES),Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (VFF-CRT), và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) ở Việt Nam phối hợp thực hiện. Hà Nội, Việt Nam. Trang 30.
[4] RTCCD, TT, TI và BUSPH (2011) Vì một nền y tế minh bạch và chất lượng, trang 26. Khoản này cao hơn mức hối lộ cao nhất được ước tính trong báo cáo PAPI năm 2012 (146.000 đồng) ở các bệnh viện công cấp huyện, vì báo cáo của RTCCD, TT, TI và BUSPH cho thấy những khoản hối lộ ở các bệnh viện cấp huyện thấp hơn nhiều so với những khoản hối lộ ở bệnh viện cấp tỉnh và trung ương.
[5] Báo Thanh Niên, Lương tháng bình quân ở Việt Nam tăng lên 185 đô la Mỹ, phát hành ngày 25 tháng 1 năm 2012