Liêm chính doanh nghiệp

Trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội nhận hối lộ và tội đưa hối lộ

image_pdfimage_print

Thực hiện Nghị quyết số 972/NQ-UBTVQH13 ngày 13/07/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quyết định số 1076/QĐ-TTg ngày 14/07/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi), Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT) – Cơ quan đầu mối quốc gia của Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) tại Việt Nam đưa ra một số ý kiến để góp phần hoàn thiện dự thảo, tạo cơ sở pháp lý khoa học và đảm bảo tính thống nhất, chính xác trong việc xử lý tội phạm.

Các ý kiến của TT tập trung vào chủ đề “Vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân và loại tội pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự” nằm trong 8 vấn đề trọng tâm xin ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi).

Những năm gần đây, tình hình vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp ở Việt Nam có chiều hướng gia tăng, gây hậu quả ngày càng nghiêm trọng cho kinh tế, xã hội và đời sống nhân dân. Trong khi đó, cơ chế xử phạt vi phạm hành chính và bồi thường thiệt hại rất bất cập và kém hiệu quả, không đủ sức răn đe, phòng ngừa.

Nhiều Điều ước quốc tế về các lĩnh vực như rửa tiền, tài trợ khủng bố, tham nhũng… mà Việt Nam là thành viên đều khuyến nghị các quốc gia cần quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Theo quy định của Bộ luật hình sự (BLHS) hiện hành, việc truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ đặt ra đối với cá nhân. Do vậy, dự thảo BLHS (sửa đổi) đã bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân áp dụng đối với pháp nhân là tổ chức kinh tế (doanh nghiệp kinh tế, tập đoàn kinh tế, công ty, tổng công ty…) có hành vi phạm tội và chỉ áp dụng đối với 32 tội danh.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn tồn tại hai loại ý kiến đối với vấn đề này [1]:

i) loại ý kiến thứ nhất cho rằng, cho đến thời điểm này, việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong BLHS là cần thiết

ii) loại ý kiến thứ hai cho rằng, không nên quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân tại thời điểm này

TT, đứng trên quan điểm của một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động với mục tiêu góp phần vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam, ủng hộ loại quan điểm thứ nhất cho rằng việc bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân là tổ chức kinh tế có hành vi phạm tội là cần thiết; đặc biệt là việc truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội nhận hối lộtội đưa hối lộ như quy định tại Điều 367 và Điều 377 của dự thảo BLHS (sửa đổi).

Dưới đây là một số lý do đưa ra để chứng minh cho quan điểm của TT:

  1. Quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với Tội nhận hối lộTội đưa hối lộ là phù hợp với thực tiễn.

Trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều thành phần kinh tế, các thành phần kinh tế bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh và cùng phát triển là chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước được xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ năm 1991 (phát triển, bổ sung năm 2011), được thông qua tại Đại hội XI của Đảng cộng sản Việt Nam và được thể chế hóa trong Hiến pháp năm 2013 (Điều 51).

Tuy nhiên, thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm cho thấy, vì muốn giành được các lợi thế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đấu thầu, nhận được nguồn tài trợ…, các pháp nhân kinh tế (doanh nghiệp kinh tế, tập đoàn, công ty, tổng công ty, các tổ chức kinh tế khác nhau thuộc các thành phần kinh tế…) đã thực hiện hành vi đưa hối lộ cho người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức… gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, làm méo mó cạnh tranh, cản trở sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế và đe dọa niềm tin vào sự liêm chính trong thương mại.

Mặc dù các cơ quan chức năng trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình đã tích cực xử lý bằng các biện pháp hành chính, dân sự, kinh tế (quy định trong Luật xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật dân sự…) nhưng các biện pháp xử lý này trong thực tế đã không phát huy hiệu quả do còn gặp nhiều khó khăn trong việc chứng minh hành vi vi phạm, làm rõ hậu quả thiệt hại do hành vi vi phạm của pháp nhân gây ra.

Do vậy, đòi hỏi phải quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội nhận hối lộ và tội đưa hối lộ để đấu tranh phòng, chống đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Nếu áp dụng thủ tục tư pháp hình sự, sẽ có một cơ quan điều tra chuyên trách thực hiện quy trình chặt chẽ, khách quan và nghiêm khắc hơn.

Việc truy cứu trách nhiệm của pháp nhân trong các trường hợp này là rất cần thiết vì người thực hiện hành vi phạm tội (như giám đốc điều hành, người đại diện…) chỉ là người làm thuê, là người triển khai thực hiện quyết định, chính sách của cả tập thể (Hội đồng quản trị, Ban giám đốc…) hoặc của những người chủ thực sự của công ty, doanh nghiệp. Các cá nhân này thực hiện hành vi phạm tội nhân danh và vì lợi ích của pháp nhân hoặc ít nhất là hành vi đó được pháp nhân chấp nhận và chịu sự kiểm soát của pháp nhân mà người đó là thành viên.

Lợi ích bất hợp pháp thu được không phải của cá nhân họ mà thực chất là của pháp nhân. Vì vậy, nếu pháp luật hình sự chỉ quy định cá nhân đại diện cho pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự, còn pháp nhân được hưởng lợi từ hành vi đó mà không phải chịu trách nhiệm hình sự là bất hợp lý, không thuyết phục, thiếu công bằng cho cá nhân thực hiện hành vi phạm tội (theo quyết định của tập thể và vì lợi ích của pháp nhân).

Do vậy, cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân để thu lại lợi ích bất hợp pháp và áp dụng các chế tài hình sự để xử phạt, răn đe đối với pháp nhân bởi nếu chỉ xử lý trách nhiệm hình sự đối với cá nhân mà không xử lý trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thì Hội đồng quản trị, Ban giám đốc… sẽ vẫn tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội.

  1. Quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với Tội nhận hối lộTội đưa hối lộ để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam.

Theo Phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu 2013[2] khảo sát quan điểm của người dân Việt Nam về tham nhũng và trải nghiệm của người dân về việc đưa hối lộ, tham nhũng đã và đang làm xói mòn lòng tin của người dân với nhà nước, hạn chế hiệu lực tác động của chính sách, pháp luật đến các quan hệ xã hội và tạo ra sự bất ổn về chính trị – xã hội đối với mỗi quốc gia.

Những tác động tiêu cực của tham nhũng đến xã hội trong một thời gian dài, nếu không được kiểm soát có hiệu quả, sẽ làm triệt tiêu những thể chế chính thức và thay vào đó là những thể chế phi chính thức.

Ở Việt Nam, tội phạm tham nhũng vẫn đang diễn biến rất phức tạp, ngày càng được thực hiện dưới những hình thức tinh vi, xảo quyệt, rất khó phát hiện, xác minh, làm rõ để xử lý. Người có chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi tham nhũng, đồng thời sử dụng nhiều công cụ để che giấu hành vi của mình như thành lập các doanh nghiệp “sân sau” hoặc “hỗ trợ chính sách”, “hỗ trợ cơ chế”… cho các doanh nghiệp để nhận được những lợi ích bất hợp pháp.

Bên cạnh đó, các công ty, doanh nghiệp cũng chủ động đưa hối lộ cho cơ quan, tổ chức, người có chức vụ, quyền hạn dưới các hình thức “đi đêm”, “lót tay”, khoản “hoa hồng” bất hợp pháp… để giành được những lợi thế, ưu tiên, ưu đãi thông qua các hợp đồng, thỏa thuận cung cấp dịch vụ, hàng hóa, thông đồng trong hoạt động đấu thầu hoặc xúc tiến triển khai các dự án đầu tư tại Việt Nam…

Thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm tham nhũng cho thấy nhiều bị can, bị cáo cho rằng họ thực hiện hành vi đưa hối lộ theo chỉ đạo, điều hành của hội đồng quản trị, tập thể ban giám đốc, tập thể lãnh đạo trong doanh nghiệp.

Vì vậy, trong những trường hợp này, việc chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân là không hợp lý, không truy xét đến cùng trách nhiệm của cả cá nhân và tập thể đối với hành vi phạm tội, dẫn đến hiệu quả xử lý không cao. Trong khi đó, Khoản 8 Điều 3 Luật phòng, chống tham nhũng 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2012) quy định đưa hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương mình (trong đó có các pháp nhân kinh tế) là hành vi tham nhũng, cho nên việc không quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân để xử lý hình sự đối với các hành vi đưa hối lộ do pháp nhân thực hiện sẽ bỏ lọt tội phạm, không đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Mặc dù pháp luật xử lý vi phạm hành chính đã quy định việc xử phạt đối với tổ chức nhưng việc xử lý hành vi vi phạm này còn rất hạn chế, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe, chưa tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng những hành vi đưa hối lộ, nhận hối lộ do pháp nhân thực hiện.

Do vậy, để tăng cường hiệu quả trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng và trấn áp loại tội phạm này; đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm của pháp nhân trong việc tuân thủ pháp luật về phòng, chống tham nhũng thì việc bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội nhận hối lộ và tội đưa hối lộ là rất cần thiết.

  1. Quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với Tội nhận hối lộTội đưa hối lộ để thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Trách nhiệm hình sự của pháp nhân được khuyến nghị trong các Điều ước quốc tế về phòng, chống tội phạm mà Việt Nam là thành viên như: Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (Điều 10); Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (Điều 26). Các Công ước này đều khuyến nghị mỗi quốc gia thành viên phải bảo đảm các pháp nhân bị xử lý bằng các chế tài (hình sự hoặc phi hình sự) đủ sức răn đe, tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội.

Khi tham gia Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, Việt Nam tuyên bố không bị ràng buộc về quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 10 của Công ước này, các quốc gia thành viên phải ban hành những biện pháp cần thiết phù hợp với những nguyên tắc pháp lý của nước mình để xác định trách nhiệm pháp lý của pháp nhân trong việc thực hiện hành vi phạm tội như: tham gia nhóm tội phạm có tổ chức (Điều 5), rửa tiền (Điều 6), tham nhũng (Điều 8), cản trở công lý (Điều 23).

Khi tham gia Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng, Việt Nam cũng bảo lưu việc không truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân với lý do để xem xét khi sửa đổi, bổ sung BLHS. Tại thời điểm này, dự thảo BLHS (sửa đổi) đã bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân: Chương XI bao gồm 13 điều về Những quy định đối với pháp nhân phạm tội; trong đó Điều 76 quy định pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự về 32 tội danh cụ thể bao gồm Tội nhận hối lộ (Điều 367) và Tội đưa hối lộ (Điều 377).

Do vậy, để thực hiện những cam kết trong các Điều ước quốc tế nêu trên và để thể hiện Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế trong điều kiện hội nhập sâu rộng hiện nay, phục vụ cho công cuộc đấu tranh có hiệu quả đối với các hành vi vi phạm, tội phạm về kinh tế, tham nhũng thì pháp luật hình sự Việt Nam cần nội luật hóa các cam kết trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Theo đó, cần quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội phạm tham nhũng nói chung, tội nhận hối lộ và tội đưa hối lộ nói riêng.

  1. Quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với Tội nhận hối lộTội đưa hối lộ là phù hợp với xu thế chung của các nước trên thế giới.

Quá trình hội nhập quốc tế về pháp luật của Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ, đòi hỏi các quy định của pháp luật nói chung, pháp luật hình sự nói riêng của Việt Nam phải tương thích với pháp luật các nước. Trong khi đó, pháp luật hình sự của 119/173 quốc gia thành viên của Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng, trong đó có 6 nước ASEAN (Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Campuchia) đều quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân nói chung, trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội tham nhũng nói riêng[3].

Ví dụ, pháp luật hình sự của Singapore quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội hối lộ, cụ thể là trong Bộ luật hình sự và Luật Phòng chống tham nhũng quy định trách nhiệm hình sự của công ty, hiệp hội đối với hành vi đưa hối lộ.

Hay tại đất nước láng giềng Trung Quốc, một quốc gia có thể chế chính trị tương tự Việt Nam, để trừng trị thích đáng hành vi nhận hối lộ và đưa hối lộ do pháp nhân thực hiện, Bộ luật hình sự của Trung Quốc[4] quy định cơ quan nhà nước, công ty quốc hữu, xí nghiệp, đơn vị hành chính sự nghiệp, đoàn thể nhân dân (pháp nhân) đòi tiền hoặc nhận tiền trái pháp luật, có tình tiết nghiêm trọng, sẽ bị phạt tiền. Các đơn vị (pháp nhân) này trong trao đổi kinh tế, nhận tiền hoa hồng, phí công tác nằm ngoài sổ sách dưới bất kỳ hình thức nào đều bị xử lý về tội nhận hối lộ.

Tuy nhiên, các quốc gia khi mới quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong pháp luật hình sự đều tính toán, cân nhắc thận trọng, chỉ quy định trách nhiệm này đối với những hành vi mà pháp nhân thường thực hiện. Do vậy, Việt Nam cần tiếp thu kinh nghiệm của các nước để quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân cho phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam.

Theo đó, dự thảo BLHS chỉ nên giới hạn quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với hành vi mà pháp nhân ở Việt Nam vi phạm phổ biến trong thời gian qua và gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng mà những chế tài hành chính, dân sự áp dụng đối với những hành vi này đều tỏ ra kém hiệu quả. Cụ thể là cần quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với các tội phạm về kinh tế, môi trường, tham nhũng… để bảo đảm có thể xử lý thích đáng, tương xứng với hành vi phạm tội của chủ thể này, trong đó việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội nhận hối lộ và tội đưa hối hộ tại thời điểm hiện nay là rất cần thiết, phù hợp với xu thế chung của các nước.

Việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội nhận hối lộ và tội đưa hối lộ sẽ góp phần khắc phục những bất cập của hệ thống pháp luật hình sự hiện hành khi xử lý hành vi phạm tội của pháp nhân; đồng thời tạo cơ sở pháp lý trong hợp tác giữa Việt Nam với các quốc gia trên thế giới, nhất là các nước ASEAN nhằm đấu tranh có hiệu quả hơn đối với tội nhận hối lộ và tội đưa hối lộ do pháp nhân thực hiện.

 Khuyến nghị:

Trên cơ sở những lý do, phân tích đã trình bày ở trên, TT một lần nữa ủng hộ loại ý kiến thứ nhất cho rằng, việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong dự thảo BLHS (sửa đổi) là cần thiết.

Do đó, TT đề nghị Quốc hội, Chính phủ và Ban soạn thảo giữ nguyên “Chương XI – Những quy định đối với pháp nhân phạm tội”Điều 367 (Tội nhận hối lộ), Điều 377 (Tội đưa hối lộ) trong dự thảo.

[1] Phụ lục I – Các vấn đề trọng tâm xin ý kiến nhân dân về dự thảo BLHS (sửa đổi) – (Ban hành kèm theo Kế hoạch của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo BLHS (sửa đổi) tại Quyết định số 1076/QĐ-TTg ngày 14 tháng 7 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ).

[2] Phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu 2013 – Quan điểm và trải nghiệm của người dân Việt Nam do Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT), Cơ quan đầu mối quốc gia của Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) tại Việt Nam, tiến hành khảo sát thông qua phỏng vấn trực tiếp 1000 người dân tại 15 tỉnh, thành phố thuộc cả ba miền Bắc, Trung, Nam. 55% người được hỏi cho rằng tham nhũng tăng lên và chỉ có 24% cho rằng các nỗ lực PCTN của Chính phủ là có hiệu quả.

[3] Theo Tờ trình số 186/TTr-CP ngày 27 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ lên Quốc hội về dự án BLHS (sửa đổi).

[4] Điều 30, 31 – Bộ luật hình sự của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (được thông qua tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa V ngày 01 tháng 7 năm 1979, sửa đổi năm 1997).