Liêm chính thanh niên

Thanh niên ngày càng dễ “nới lỏng” tính liêm chính

image_pdfimage_print

Tuy tôn trọng các giá trị liêm chính, thanh niên có xu hướng dễ dàng thỏa hiệp hơn, nhất là để đảm bảo lợi ích gia đình và bạn bè

Hà nội, ngày 4 tháng 8 năm 2015 41% thanh niên Việt Nam sẵn sàng nói dối để bảo vệ thu nhập gia đình và 20% thậm chí sẵn sàng vi phạm pháp luật để giúp đỡ gia đình hay bạn bè.

Đây là hai trong số những phát hiện quan trọng của Khảo sát Liêm chính trong thanh niên Việt Nam 2014 (gọi tắt là YIS 2014) do Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT), Trung tâm Nghiên cứu Phát triển & Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES) và Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn) phối hợp thực hiện.

Thanh niên dễ thỏa hiệp và hoài nghi hơn

Khi đứng trước các quyết định liên quan đến liêm chính, thanh niên Việt Nam thể hiện xu hướng dễ thỏa hiệp. So với kết quả của cuộc khảo sát đầu tiên thực hiện năm 2011, thanh niên hiện nay có xu hướng coi trọng thu nhập của gia đình và giàu có hơn liêm chính (35% năm 2014 so với 31% năm 2011) và sẵn sàng nói dối để bảo vệ thu nhập gia đình hoặc tình cảm với bạn bè (41% năm 2014 so với 35% năm 2011).

Đồng thời, thanh niên cũng có cái nhìn bi quan hơn về tính liêm chính của các cơ quan cung cấp dịch vụ công. Năm 2014, tỉ lệ thanh niên đánh giá ‘rất tốt’ về mức độ liêm chính của các cơ quan này đều giảm. Trong đó, đánh giá ‘rất tốt’ dành cho cảnh sát giao thông và y tế công đều giảm gần một nửa so với năm 2011, từ 12% xuống còn 6% (cảnh sát giao thông) và từ 11% xuống 6% (y tế công). Đặc biệt, nhóm thanh niên có trình độ học vấn cao (trên bậc trung học phổ thông) thể hiện sự bi quan rõ hơn với mức độ đánh giá khắt khe nhất về vấn đề này (chỉ có tối đa 7% đánh giá ‘rất tốt’ trong khi có tới 19% đánh giá ‘rất kém’).

“Khoảng thời gian gần 3 năm giữa hai cuộc khảo sát (năm 2011 và 2014) giúp nhóm nghiên cứu xác định rõ hơn các xu hướng về liêm chính trong thanh niên. Kết quả so sánh các dữ liệu quan trọng nhất cho thấy: Thanh niên đang hoài nghi tính liêm chính của môi trường xung quanh nhiều hơn. Họ cũng không cảm nhận được bất kỳ ảnh hưởng tích cực nào từ các chương trình giáo dục liêm chính và phòng, chống tham nhũng chính thức. Thực tế này phần nào lý giải một trong những phát hiện quan trọng nhất của YIS 2014: Khi đứng trước lựa chọn giữa liêm chính và tình cảm với gia đình hay bạn bè, thanh niên cho rằng vi phạm liêm chính trong các trường hợp này là ‘chấp nhận được’”.

Ông Đặng Hoàng Giang, Phó Giám đốc CECODES, đồng tác giả của YIS 2014.

Thanh niên sẵn sàng tham gia các sáng kiến phòng, chống tham nhũng

Tuy vẫn gặp khó khăn khi phải đưa ra các quyết định liên quan đến liêm chính, 87% thanh niên Việt Nam được hỏi trong năm 2014 sẵn sàng tham gia vào các sáng kiến phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt, nhóm thanh niên có trình độ học vấn thấp (chỉ tới bậc tiểu học) đang thể hiện quan điểm tích cực hơn với 84% tin rằng thanh niên đóng vai trò quan trọng trong phòng, chống tham nhũng, tăng mạnh so với 67% năm 2011.

Internet và mạng xã hội đang ngày càng ảnh hưởng đến quan điểm của thanh niên về liêm chính: trong nhóm thanh niên có trình độ học vấn cao, 92% (năm 2014) cho rằng Internet góp phần hình thành nên quan điểm của họ về liêm chính. Đối với nhóm thanh niên có trình độ học vấn thấp, số người đồng tình với quan điểm này cũng tăng mạnh: từ 2% (2011) lên 16% (2014) đối với Internet và từ 3% lên 24% đối với mạng xã hội.

###

Minh bạch Quốc tế (TI) là một tổ chức xã hội dân sự toàn cầu đi đầu trong phong trào đấu tranh chống tham nhũng.

Hướng tới Minh bạch (TT) là cơ quan đầu mối quốc gia của tổ chức Minh bạch Quốc tế tại Việt Nam, hoạt động với mục tiêu góp phần vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam.

Tải báo cáo toàn văn tại đây.

[Interactive] Tìm hiểu 5 phát hiện thú vị trong YIS 2014 tại đây.

[Infographic] Xem các thay đổi chính trong tính liêm chính của thanh niên Việt Nam sau 3 năm (2011-2014) tại đây.

Liên hệ báo chí

Nguyễn Thu Hương
Tổ chức Hướng tới Minh bạch

E: [email protected]