Hoàn thiện pháp luật tạo môi trường thuận lợi để xã hội tham gia, hỗ trợ và hợp tác hiệu quả với Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng

Chủ trương sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) của Nhà nước là cơ hội để Việt Nam cải thiện môi trường pháp lý, xoá bỏ những bất cập đang hạn chế vai trò của xã hội và tạo điều kiện để các chủ thể xã hội chủ động, tích cực tham gia PCTN.

Hà Nội ngày 28 tháng 6, 2016 – Mặc dù chính sách và pháp luật Việt Nam công nhận và qui định về vai trò của các chủ thể xã hội trong đấu tranh chống tham nhũng, nhưng vẫn còn thiếu những đảm bảo pháp lý cần thiết và các điều kiện cơ bản để những đối tượng này phát huy được hết vai trò của mình, đóng góp hiệu quả vào hoạt động PCTN.

“Xã hội, bao gồm người dân, báo chí, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội, là đối tác không thể thiếu của Nhà nước trong PCTN. Tuy nhiên, Luật PCTN hiện hành vẫn chưa xác lập vị thế thích đáng cho  các chủ thể xã hội trong lĩnh vực này. Luật chưa có qui định cụ thể để thúc đẩy sự tham gia chủ động, tích cực và hợp tác của xã hội với nhà nước trong PCTN,” Bà Đào Nga, Giám đốc Tổ chức Hướng tới Minh Bạch nói.

Đa số các qui định hiện nay về vai trò của xã hội trong PCTN còn rất khái quát và chỉ mang tính nguyên tắc, chủ yếu tập trung vào việc xác định trách nhiệm của các chủ thể xã hội mà chưa qui định quyền và điều kiện tương xứng để đảm bảo các chủ thể đó có thể thực hiện hiệu quả vai trò của mình.

“Để huy động được sự tham gia đông đảo, tích cực của nhân dân và sức mạnh của toàn xã hội trong đấu tranh chống tham nhũng, Luật PCTN mới cần xử lý được những bất cập, hạn chế này, đồng thời qui định các biện pháp cụ thể khuyến khích sự tham gia cũng như cơ chế phối hợp và hợp tác giữa các chủ thể trong và ngoài nhà nước” Bà Nga nói.

Tại Hội thảo “Bước đầu tiếp cận kết quả 10 năm thực hiện Luật PCTN qua một số lĩnh vực” tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT) và Viện Chính sách công và Pháp luật (IPL) cũng khuyến nghị nhà nước hoàn thiện và cụ thể hoá các biện pháp bảo vệ người tố cáo tham nhũng, thống nhất các qui định có liên quan của Luật PCTN, Luật Tố cáo và các văn bản pháp luật khác.

Luật PCTN cũng cần được bổ sung các chế tài cần thiết và nhất quán với Bộ luật Hình sự (sửa đổi năm 2015), để đảm bảo hiệu quả thực thi và điều chỉnh toàn diện các hành vi tham nhũng trong khu vực công cũng như khu vực tư.

Được ban hành lần đầu năm 2005 và sửa đổi, bổ sung vào các năm 2007 và 2012, Luật PCTN được coi là văn bản xương sống trong khung khổ pháp luật Việt Nam về PCTN.

###

[Infographic] Sự tham gia của xã hội trong phòng, chống tham nhũng

Quy định hiện hành của pháp luật về bảo vệ người tố cáo tham nhũng

###

Hướng tới Minh bạch (TT) là cơ quan đầu mối quốc gia của tổ chức Minh bạch Quốc tế tại
Việt Nam, hoạt động với mục tiêu góp phần vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng
ở Việt Nam.

Theo dõi chúng tôi trên Facebook

Viện Chính sách công và Pháp luật (IPL) là tổ chức khoa học phi lợi nhuận trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), hoạt động với mục tiêu góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền, thúc đẩy quản trị tốt và phát triển bền vững tại Việt Nam.