Người dân Việt Nam tham gia phòng, chống tham nhũng
(*) Dữ liệu trong bài viết được sử dụng từ nguồn “Phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu năm 2013” do tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) thực hiện thông qua sự điều phối của cơ quan đầu mối tại Việt Nam là tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT). Bạn có thể đọc toàn văn báo cáo tại đây.
Ý thức tự nguyện tham gia phòng, chống tham nhũng của người dân
Năm 2013, 60% số người Việt Nam được hỏi tin rằng người dân bình thường có thể tạo ra sự khác biệt trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng.
Trong đó, cư dân nông thôn có quan điểm tích cực hơn so với cư dân đô thị: Tỉ lệ đồng ý hoặc rất đồng ý với quan điểm “người dân bình thường có thể tạo ra sự khác biệt” của hai nhóm dân cư này lần lượt là 65% và 47%.
Hình 1: Người dân bình thường có thể tạo ra sự khác biệt trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, theo ý kiến của người dân Việt Nam (%)
Tuy nhiên, so sánh kết quả khảo sát năm 2010 và 2013 cho thấy: Cư dân đô thị Việt Nam đang ngày càng tỏ ra bi quan về khả năng tạo ra sự khác biệt của bản thân khi tham gia vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Trong năm 2013, số người tán thành giảm hẳn, trong khi ngày càng có nhiều người không đồng ý hoặc rất không đồng ý với nhận định này.
Hình 2: Người dân bình thường có thể tạo ra sự khác biệt trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, theo ý kiến của cư dân đô thị: năm 2010 và 2013 (%)
Sự bi quan về khả năng tham gia của người dân phần nào cũng ảnh hưởng đến ý thức tự nguyện của họ về việc trực tiếp tham gia đấu tranh chống tham nhũng. Năm 2013, 60% số người được hỏi sẵn sàng ký vào một bản kiến nghị yêu cầu Chính phủ nỗ lực nhiều hơn để phòng, chống tham nhũng, nhưng chỉ chưa đầy một nửa cho biết sẵn sàng tham gia vào bất kỳ hoạt động phòng, chống tham nhũng nào khác.
Khi so sánh với kết quả khảo sát ở các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, người dân Việt Nam tỏ vẻ bi quan nhất về khả năng tạo ra sự thay đổi của mình.
Tính trung bình, 76% số người được hỏi ở Đông Nam Á tin rằng người dân bình thường có thể tạo ra sự khác biệt, trong đó người dân Ma-lai-xi-a là những người lạc quan nhất (87%). Tỷ lệ người Việt Nam được hỏi sẵn sàng tham gia đấu tranh chống tham nhũng dưới mọi hình thức hành động đều thấp hơn mức trung bình của các nước Đông Nam Á.
Hình 3: Mức độ sẵn sàng tham gia vào phòng, chống tham nhũng: Việt Nam và mức trung bình ở Đông Nam Á (%)
Mức độ sẵn sàng tố cáo tham nhũng
Người dân Việt Nam tỏ vẻ do dự khi tố cáo tham nhũng: chỉ có 38% số người được hỏi sẵn sàng tố cáo.
Trong đó, một điểm đáng chú ý là cư dân đô thị ngày càng trở nên miễn cưỡng hơn trong việc tố cáo tham nhũng. Năm 2013, chỉ có 34% số người được hỏi ở 5 đô thị được khảo sát là sẵn sàng tố cáo tham nhũng trong khi 63% nói họ không muốn tố cáo. Trong khi đó, khảo sát năm 2010 cho kết quả hoàn toàn trái ngược: 65% người được hỏi tự nguyện tố cáo và chỉ có 35% không muốn tố cáo.
Ở khu vực Đông Nam Á, người dân Việt Nam có mức độ tự nguyện tố cáo tham nhũng thấp nhất trong số những nước được khảo sát.
Ở Đông Nam Á, trung bình 63% số người được hỏi sẵn sàng tố cáo tham nhũng, cao nhất là ở Ma-lai-xi-a (79%).
Hình 4: Mức độ sẵn sàng tố cáo tham nhũng ở các nước Đông Nam Á
Trong số những người được hỏi tự nguyện tố cáo tham nhũng, phần lớn chọn tố cáo tham nhũng tới một cơ quan nhà nước hoặc qua đường dây nóng (40%) tiếp sau là tố cáo trực tiếp đến cơ quan có liên quan (36%), tố cáo tới các cơ quan truyền thông (15%) và chỉ có 6% tố cáo tới một tổ chức độc lập phi lợi nhuận.
Điều này cho thấy người dân Việt Nam tiếp tục chọn những cơ chế chính thức của nhà nước là kênh đầu tiên để tố cáo tham nhũng.
Bảng 1: Người dân sẽ tố cáo tham nhũng tới cơ quan, tổ chức nào?
Lý do không muốn tố cáo tham nhũng
Kết quả phân tích chéo dữ liệu trong khảo sát cho thấy: người dân nào đồng ý mạnh mẽ với nhận định“người dân bình thường có thể tạo ra sự khác biệt” ở trên sẽ có ý thức tự nguyện tố cáo tham nhũng cao hơn những người không đồng tình.
Có thể nói, người dân Việt Nam trước hết phải tin rằng họ có thể tạo ra sự khác biệt trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng thì mới tự nguyện tham gia trực tiếp vào các hành động chống tham nhũng.
Tuy nhiên, hơn một nửa số người được hỏi cho rằng (họ không muốn tố cáo tham nhũng) vì việc tố cáo của họ “chẳng thay đổi được gì”. Điều này khẳng định lại kết quả khảo sát năm 2012 của Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới, theo đó hai lý do phổ biến nhất khiến người dân Việt Nam không tố cáo tham nhũng là (1) người có thẩm quyền có thể có liên quan đến đối tượng tham nhũng và (2) họ không tin tưởng vào người có thẩm quyền [1].
Lý do phổ biến thứ hai mà những người Việt Nam được hỏi đưa ra là “sợ gánh chịu hậu quả”. Điều này cũng tương tự với kết quả của khảo sát của Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới: Mặc dù lý do sợ bị trả thù chỉ đứng thứ 3 trong số các nguyên nhân không tố cáo tham nhũng, vẫn có tới 62% số người được hỏi nói rằng đây chính là nguyên nhân làm cho họ miễn cưỡng hơn trong việc tố cáo tham nhũng [2].
Khả năng từ chối đưa hối lộ
Mặc dù 13% người Việt Nam được phỏng vấn trong cuộc khảo sát năm 2013 đã từng bị yêu cầu đưa hối lộ, người dân Việt Nam ít có khả năng từ chối đưa hối lộ hơn so với người dân các nước khác ở Đông Nam Á.
Trong số những người từng bị yêu cầu đưa hối lộ ở Việt Nam, chỉ có 27% từ chối, tỷ lệ này thấp hơn khá nhiều so với bất kỳ nước nào khác được khảo sát trong khu vực. Trong khi đó, 71% người In-đô-nê-xi-a khi bị yêu cầu đưa hối lộ đã từng từ chối và con số này ở Campuchia, Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin và Thái Lan rơi vào khoảng 41- 52%.
Hình 5: Người được hỏi từ chối đưa hối lộ ở Đông Nam Á (%)
Trong số những người từng từ chối đưa hối lộ, 60% cho biết mặc dù không đưa hối lộ, họ vẫn có thể giải quyết được công việc nhưng gặp phải một số vấn đề như thời gian chờ đợi lâu hơn; và 17% cho biết họ không gặp phải hậu quả bất lợi nào từ việc từ chối đưa hối lộ. Chỉ có 6% nói rằng họ gặp phải những vấn đề nghiêm trọng như bị đe dọa hay trả đũa.
Bảng 2: Hậu quả của việc từ chối đưa hối lộ
Đọc thêm về trải nghiệm tham nhũng của người dân Việt Nam trong năm 2013 tại đây.
[1] Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới, Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức, 2012, trang 70.
[2] Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới, Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức, 2012, trang 70.
Ảnh: Tác giả – Trần Thành Trung (Cua Con), Cuộc thi Vẽ tranh biếm về Đề tài Công khai, Minh bạch trên Báo chí năm 2014.