Ngân sách Nhà nước: Mỗi người dân đều có thể là một phóng viên

Mặc dù mỗi công dân đều đóng góp vào ngân sách Nhà nước, nhiều người tuy đóng thuế đầy đủ, đúng trách nhiệm nhưng họ lại thường không quan tâm tới quyền lợi của mình trong việc đảm bảo tiền thuế được sử dụng đúng mục đích. Do đó, cuộc thi ảnh “Góc nhìn người đóng thuế” được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của người dân về quyền lợi của họ trong việc giám sát việc quản lý ngân sách Nhà nước và tạo cơ hội cho những người quan tâm thể hiện góc nhìn của mình thông qua những bức ảnh.

Từ tháng 10/2014 đến tháng 3/2015, cuộc thi nhận được 351 bức ảnh dự thi. Bằng những thiết bị điện tử cá nhân, những người dân tham gia cuộc thi có thể ghi lại các quan sát của họ về việc chi tiêu công được thực hiện như thế nào tại địa phương của mình, từ đó phản ánh mức độ hiệu quả và minh bạch của việc quản lý ngân sách Nhà nước. Điển hình là một số tác phẩm như: bức ảnh một cơ sở dạy nghề bị bỏ hoang và trở thành nơi cho bò ăn, một cột điện bị gãy đổ được chụp ngay trong ngày giá điện tăng.

“Tôi thích ý tưởng mỗi người dân đều có thể trở thành một phóng viên chỉ với một chiếc điện thoại di động. Họ có thể đến những nơi mà phóng viên chuyên nghiệp không thể. Họ có thể biết những câu chuyện mà phóng viên chuyên nghiệp không biết. Đó là lý do họ có thể có được bức ảnh mà những phóng viên chuyên nghiệp không bao giờ có được” – Trần Việt Văn, báo Người Lao động.

Trong lễ trao giải ngày 15 tháng 4 năm 2015, giải nhất của cuộc thi đã được công bố. Bức ảnh đoạt giải ghi lại hình ảnh một người phụ nữ đang lội nước ngang qua tấm biểu ngữ “biết nói” đã đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả của việc sử dụng Ngân sách Nhà nước.

First prize of the contest

Trong suốt 5 tháng triển khai, Facebook Group của cuộc thi đã trở thành diễn đàn chia sẻ và thảo luận những thông tin hữu ích liên quan đến vấn đề ngân sách cho 2000 thành viên. Nhiều hoạt động bên lề thú vị cũng được tổ chức nhằm thảo luận về quản lý ngân sách như tọa đàm tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia tại Hà Nội và Đại học Hoa Sen tại thành phố Hồ Chí Minh, và tọa đàm “Đồng tiền biết múa” được tổ chức bởi một thành viên ban tổ chức – Trung tâm Truyền thông Giáo dục Cộng đồng (MEC).

Cuộc thi và những hoạt động bên lề được đồng tổ chức bởi Trung tâm hội nhập và Phát triển (CDI), tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT), Oxfam, MEC, Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC), Trung tâm Hỗ trợ giáo dục và Nâng cao năng lực phụ nữ (CEPEW) và Nhóm hợp tác thúc đẩy quản trị và cải cách hành chính công (GPAR).