Mâu thuẫn trong nhận thức và thực hành liêm chính của Thanh niên Việt Nam

Hà Nội, ngày 10/09/2019Cứ ba thanh niên Việt Nam thì có một người không ngần ngại thực hiện hành vi tham nhũng vì lợi ích của bản thân hoặc gia đình, mặc dù họ vẫn mong muốn được sống trong một xã hội liêm chính và hiểu rằng tham nhũng có hại cho thế hệ mình, cho nền kinh tế, cũng như cho sự phát triển của Việt Nam. Điểm đặc biệt nữa là tuy không ngại thực hiện hành vi tham nhũng, cứ bốn trong số năm thanh niên nhận thức được trách nhiệm của mình và nói rằng họ sẵn sàng hành động để chống tham nhũng. Điều này phản ánh sự mâu thuẫn trong nhận thức và hành động của thanh niên Việt Nam về việc thực hành liêm chính. 

Những nhận định, đánh giá nêu trên là kết quả từ cuộc Khảo sát về Liêm chính trong Thanh niên Việt Nam 2019 (YIS 2019) vừa được công bố sáng nay tại Hà Nội. Khảo sát được thực hiện bởi Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT), cơ quan đầu mối quốc gia của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) tại Việt Nam. Tiếp nối thành công của các khảo sát YIS năm 2011 và 2014, khảo sát năm 2018 (Báo cáo năm 2019) tìm hiểu nhận thức của giới trẻ về liêm chính, cũng như những trải nghiệm và phản ứng của họ với vấn nạn tham nhũng. 

Cũng theo kết quả của Báo cáo YIS 2019, tham nhũng vẫn còn là một vấn đề nghiêm trọng ở Việt Nam, mặc dù Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam đã có những nỗ lực không ngừng và quyết tâm mạnh mẽ chống tham nhũng. Việt Nam đã đưa nhiều đại án tham nhũng ra ánh sáng, tuy nhiên, mức độ tham nhũng vặt mà thanh niên trải nghiệm khi tiếp cận các dịch vụ công cơ bản lại tăng lên đáng kể trong năm 2018 (so với lần khảo sát trước vào năm 2014). Cụ thể, trong số những thanh niên được khảo sát có thực hiện việc xin giấy tờ hay giấy phép, cứ năm người thì có hai người phải hối lộ. Hoặc liên quan đến dịch vụ y tế công, gần như cứ hai thanh niên tiếp cận dịch vụ thì có một người phải hối lộ để được cấp phát thuốc tốt hơn hoặc chăm sóc y tế tốt hơn cho bản thân hoặc gia đình. Đáng chú ý, nhóm thanh niên có mức sống thấp hơn lại thường phải đối mặt với tham nhũng hơn. Gần đây, việc thiếu các biện pháp hữu hiệu để chấn chỉnh, khắc phục một số lĩnh vực như cảnh sát giao thông, khám chữa bệnh và giáo dục cũng đã được nêu ra trong Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22/4/2019 về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. 

Báo cáo YIS 2019 cũng chỉ ra rằng, mặc dù hiểu rõ tầm quan trọng của sự liêm chính, song nhiều thanh niên Việt Nam vẫn tham gia vào hành vi tham nhũng và cố tìm cách biện minh cho hành động đó. Ví dụ, hơn một nửa số thanh niên được khảo sát cho rằng một người liêm chính vẫn có thể nói dối hoặc gian lận, nếu điều đó giúp họ giải quyết được khó khăn cho bản thân và gia đình. Hoặc, cứ sáu thanh niên thì có một người cho rằng việc nói dối, gian lận, vi phạm pháp luật và tham nhũng mang lại nhiều cơ hội thành công hơn trong cuộc sống. Đặc biệt, đáng lo ngại là, cứ hai thanh niên thì có một người sẵn sàng thực hiện hành vi tham nhũng để được nhận vào học ở trường tốt hoặc nơi làm việc tốt.

“Gần hai thập kỷ phát triển nhanh về kinh tế đã đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, sự tích lũy của cải dường như không đi cùng tích lũy những giá trị cốt lõi là minh bạch và liêm chính”, ông Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, thành viên Ban Cố vấn của Tổ chức Hướng tới Minh bạch phát biểu. “Giá trị liêm chính dường như bị thiếu hụt và mong manh, không theo kịp với thành tựu phát triển kinh tế của đất nước!” 

Nhiều thanh niên Việt Nam cho rằng vai trò của các hình mẫu truyền thống (gia đình và các cơ sở giáo dục) trong việc hình thành nên ý thức của họ về liêm chính đang dần dần bị xói mòn. Tương tự, trong lần khảo sát này, tỷ lệ thanh niên cho rằng các nhà lãnh đạo chính trị, doanh nhân, và những người nổi tiếng là những hình mẫu tốt của họ về liêm chính cũng giảm đi. Không ngạc nhiên rằng Internet và mạng xã hội được thanh niên cho là đang ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong vấn đề này. 

Điểm tích cực là phần lớn thanh niên được khảo sát tin rằng tham nhũng và thiếu liêm chính có hại cho mọi mặt của đời sống, và bốn trong năm thanh niên tin rằng họ có trách nhiệm trong công cuộc chống tham nhũng. Chiếm gần một nửa dân số Việt Nam, điều thanh niên cần để thực hiện được vai trò của mình chính là một môi trường thuận lợi, nơi giá trị liêm chính, chứ không phải là tham nhũng, được coi là chuẩn mực. 

Báo cáo YIS 2019 đưa ra khuyến nghị với Nhà nước, các cơ sở giáo dục, phụ huynh và các bên liên quan khác để cùng tạo nên môi trường thuận lợi cho người trẻ thực hành và thúc đẩy liêm chính. Bà Nguyễn Thị Kiều Viễn, Giám đốc Điều hành của Tổ chức Hướng tới Minh bạch nhấn mạnh: “Mức độ sẵn sàng tham gia vào hành vi tham nhũng của thanh niên tăng lên trong năm 2018 là một điều đáng báo động. Đây là lúc tất cả các bên liên quan cần chung tay hành động để tạo nên một môi trường nuôi dưỡng và thúc đẩy liêm chính, nơi người trẻ có thể được khuyến khích để trải nghiệm và thực hành liêm chính.” 

Tải về Báo cáo YIS 2019 tại: 

Báo cáo Tóm tắt: Tiếng Việt Tiếng Anh

Báo cáo Đầy đủ: Tiếng Việt Tiếng Anh

Về YIS 2019: Khảo sát về Liêm Chính trong thanh niên Việt Nam 2019 tìm hiểu nhận thức của giới trẻ về liêm chính và những thay đổi theo thời gian liên quan đến trải nghiệm cụ thể và những thách thức họ gặp phải khi áp dụng giá trị này trong đời sống hàng ngày. Đây là lần thứ 3 khảo sát được thực hiện tại Việt Nam, sau các khảo sát năm 2011 và 2014. Dữ liệu được thu thập từ ngày 2 tháng 10 đến ngày 2 tháng 12 năm 2018 thông qua các cuộc phỏng vấn trực tiếp với 1.175 thanh niên (độ tuổi 15- 30) và 465 người lớn tuổi (độ tuổi 31- 55) tại 12 tỉnh, thành mang tính đại diện trong cả nước. Việc thu thập dữ liệu được thực hiện bởi công ty Nghiên cứu Đông Dương- Indochina Research. Phần phân tích số liệu do Hướng tới Minh Bạch thực hiện với sự tham gia của các chuyên gia phản biện độc lập. 

### 

Hướng tới Minh bạch (TT) là cơ quan đầu mối quốc gia của tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) tại Việt Nam, hoạt động với mục tiêu góp phần vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam.

Minh bạch Quốc tế (TI) là một tổ chức xã hội dân sự toàn cầu đi đầu trong phong trào đấu tranh chống tham nhũng. 

Liên hệ Báo chí:

Tống Diệu Quỳnh (Ms.)

Cán bộ Truyền thông, Tổ chức Hướng tới Minh bạch

Điện thoại: 04 3715 3532 | Email: [email protected]

Website: towardstransparency.org | Facebook: facebook.com/towardstransparency