Liêm chính trong hoạt động tư pháp
“Đòi hỏi của công dân và xã hội đối với các cơ quan tư pháp ngày càng cao; các cơ quan tư pháp phải thật sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người, đồng thời phải là công cụ hữu hiệu bảo vệ pháp luật và pháp chế XHCN, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm và vi phạm”
Nghị quyết số 49- NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020
Liêm chính tư pháp là đòi hỏi cơ bản của công dân của mỗi quốc gia về một nền tư pháp trong sạch, với đội ngũ cán bộ tư pháp liêm khiết và dấn thân cho việc duy trì và bảo vệ lẽ phải và công lý.
Nhưng nhìn vào thực tế cũng như từ một số kết quả nghiên cứu, liêm chính trong hoạt động tư pháp của Việt Nam vẫn chưa thực sự được đảm bảo.
Vì vậy, Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT) đã phối hợp với Viện Chính sách công và Pháp luật (IPL) trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức hội thảo “Liêm chính trong Hoạt động Tư pháp: Các tiêu chuẩn quốc tế và pháp luật Việt Nam” nhằm chia sẻ các kinh nghiệm và thực tiễn quốc tế, đồng thời thảo luận các giải pháp nhằm tăng cường tính liêm chính trong hoạt động tư pháp ở Việt Nam.
Hội thảo diễn ra ngày 10/10/2014, với sự tham gia của đại diện đến từ các cơ quan: Quốc Hội, Ban Nội chính T.Ư, Văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp T.Ư, TAND tối cao, Bộ Tư pháp và các đơn vị liên quan, và ghi nhận được những đóng góp quý giá từ các chuyên gia đầu ngành và những người quan tâm.
Quản trị tòa án và tính độc lập của thẩm phán ở Việt Nam
Hiện nay, Việt Nam đã tham gia vào nhiều Công ước, Điều ước quốc tế nhằm thúc đẩy độc lập tư pháp như: Tuyên ngôn nhân quyền ASEAN, Tuyên ngôn phổ quát về nhân quyền; Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Tuyên bố Bắc Kinh về các nguyên tắc đối với Tư pháp độc lập, Công ước quốc tế về Phòng, chống tham nhũng.
Mặc dù Hiến pháp 2013 quy định rõ tại Khoản 2, Điều 103 “thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của thẩm phán, hội thẩm”, nhưng theo dự thảo nghiên cứu Hệ thống Liêm chính Quốc gia Việt Nam, khuôn khổ pháp luật về tính độc lập của tòa án chưa thực sự hoàn chỉnh và tính độc lập của thẩm phán chưa thực sự được đảm bảo, được biểu hiện ở một số điểm nổi bật sau:
- Quyết định của thẩm phán còn phụ thuộc nhiều vào các cơ quan liên quan như Viện Kiểm sát, công an và chính quyền địa phương
- Vấn đề trao đổi án, phân công án và họp án làm hạn chế tính độc lập của thẩm phán; đặc biệt họp án là không phù hợp xét về vấn đề độc lập trong hoạt động tư pháp. Thực tiễn trao đổi, họp án đã làm giảm trách nhiệm cá nhân của thẩm phán, phá bỏ tính độc lập của thẩm phán và các thành viên khác trong Hội đồng xét xử:
- Nếu phân công án theo đề xuất của thẩm phán, đó là quyết định mang tính chủ quan và không nên có trong hệ thống tòa án. Nếu phân công án theo quyết định của lãnh đạo tòa án, cần có các tiêu chí rõ ràng hơn để không xảy ra lạm quyền.
- Về vấn đề “họp án”: nếu các thẩm phán vẫn chịu sự ảnh hưởng của Chánh án hay Phó Chánh án thì khó đảm bảo tính độc lập và liêm chính.
- Quy trình tuyển chọn và bổ nhiệm thẩm phán hiện nay còn khép kín và đang chịu tác động bởi nhiều yếu tố bên ngoài, tạo nên áp lực cho thẩm phán và tác động đến tính độc lập trong xét xử.
- Hoạt động quản trị tòa án tuân theo quy chế nội bộ: không có chính sách rõ ràng, quyết định quan trọng đôi khi vẫn được đưa ra thông qua các cuộc họp nội bộ.
- Tính công khai đối với các phán quyết của tòa án còn hạn chế vì thẩm phán phán quyết thế nào thì chỉ đương sự biết chứ công chúng quan tâm ít được tiếp cận.
“Trong quá trình thẩm vấn, tranh tụng, thẩm phán kể cả thấy nhiều tình tiết có thể công bố bị cáo vô tội, nhưng vẫn phải đề nghị điều tra lại. Trong khi thẩm phán lẽ ra phải tự mình quyết định qua xét xử, theo niềm tin nội tâm và quy định pháp luật, như thế mới có được liêm chính trong tư pháp.”
PGS.TS Lê Hồng Hạnh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Pháp luật và Kinh tế ASEAN
Đồng quan điểm, GS. Đào Trí Úc, Viện trưởng Viện Chính sách công và Pháp luật cho rằng: “Nếu xét xử liêm chính, chí công vô tư thì điều tra cũng phải nghe. Tòa tuyên vô tội, điều tra có dám khẳng định điều tra đúng không?”
Cũng theo PGS.TS Lê Hồng Hạnh, đáng lo ngại là trong thực tế, có những người được chuyển sang làm chánh án, thẩm phán nhưng thiếu kinh nghiệm xét xử. Liệu họ có đủ khả năng, bản lĩnh để đưa ra những phán quyết phù hợp với pháp luật hay không? Ngoài ra, quy định thời hạn bổ nhiệm là 5 năm khiến các cán bộ luôn lo lắng về vấn đề tái bổ nhiệm.
Bên cạnh đó, cơ hội để người dân giám sát hoạt động của tòa án còn rất hạn chế. Bản án, quyết định của tòa án mới chỉ được tuyên công khai tại phiên tòa, các tài liệu khác như hồ sơ vụ án, biên bản phiên tòa, thông tin chi tiết về hoạt động xét xử, bổ nhiệm, cách chức và thuyên chuyển thẩm phán, dữ liệu hoạt động của ngành tòa án chưa được công khai hoặc chỉ được công khai một phần và dành cho nội bộ. Thậm chí mới chỉ có Tòa án Nhân dân tối cao và một số ít các tòa án cấp tỉnh có cổng thông tin điện tử.
Tăng cường sự tham gia, giám sát của người dân nhằm đảm bảo liêm chính tư pháp
GS. Đào Trí Úc cũng cho rằng, có nhiều nguyên nhân cả về pháp luật và xã hội khiến thẩm phán khó độc lập khi xét xử. Do đó, phải có giải pháp xã hội để đảm bảo sự độc lập của thẩm phán.
Tuyên thệ khi vào ngành cũng là một hình thức nhắc nhở cán bộ tư pháp về yêu cầu đạo đức nghề nghiệp của họ. Chế tài pháp luật và sức ép xã hội là cơ sở để có đánh giá khách quan về phẩm chất của thẩm phán.
“Gần như 100% bản án có kháng cáo nhưng tòa án cấp trên xử lại thì theo kiểu “nửa đúng nửa sai”, mở đường cho khiếu nại, tham nhũng, trong khi đáng lẽ nếu xét xử sai một vụ có thể miễn nhiệm chức danh thẩm phán ngay mới đảm bảo được sự liêm chính.”
TS. Tạ Thị Minh Lý, Chủ tịch Hội trợ giúp pháp lý cho người nghèo
Bên cạnh đó, quan trọng không kém là cần tăng cường sự tham gia giám sát của người dân.
“Nếu độc lập mà không giám sát, giải trình thì sẵn sàng dẫn đến lạm dụng quyền lực nên phải có cơ chế kiểm soát quyền lực tư pháp ở tầm vĩ mô. Cuối cùng là giám sát của nhân dân đối với hoạt động tư pháp. Nếu mọi phán quyết, ý kiến của thẩm phán trong vụ án được phơi bày một cách minh bạch rõ ràng, mọi người đều được quyền tiếp cận thì tự nhiên mỗi thẩm phán phải có sự cân nhắc.”
TS.LS. Lưu Tiến Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Hợp tác Quốc tế Liên đoàn Luật sư Việt Nam
Quy trình bổ nhiệm cán bộ tư pháp cần phải khách quan và minh bạch
Tại hội thảo, các chuyên gia khuyến nghị các cơ quan chức năng cần có một quy trình khách quan và minh bạch trong việc bổ nhiệm thẩm phán các cấp, đảm bảo chỉ có những thẩm phán có chuyên môn tốt nhất mới được chọn và để họ không cảm thấy mắc nợ một chính trị gia hay thẩm phán cấp cao nào đó trong việc bổ nhiệm.
“Không chỉ nói suông, dứt khoát cán bộ tư pháp phải có lương tâm trong sáng, đạo đức nghề nghiệp. Nếu không có những yếu tố đó thì không nên hoạt động trong ngành tư pháp. Thẩm phán phải là những người không biết sợ tác động, không bị mua chuộc.”
GS.TSKH. Đào Trí Úc (thứ hai từ phải sang), Viện trưởng Viện Chính sách công và Pháp luật