Gian lận trong thi cử: Lặng im hay Lên tiếng?
Một nam sinh được cô bạn cùng lớp tiếp cận và rất thích cô bé. Cô bạn rất ‘hot’ trong lớp còn cậu là anh chàng hiền lành, học giỏi. Nếu cô bạn đề nghị, cậu không bao giờ từ chối và luôn chia sẻ với cô mọi thứ: quyển sách hay bài hát yêu thích, thậm chí những tờ giấy làm bài kiểm tra. Cô bạn chính là mẫu hình trong mơ của cậu.
Liệu cậu có sẵn sàng để cô bạn quay cóp bài của mình trong giờ kiểm tra?
Đó chính là kịch bản của clip “Không có chỗ cho tình yêu” – giải nhất của cuộc thi “Lặng im hay Lên tiếng” (Speak up or silence) trong đêm Gala ngày 19 tháng 7 do câu lạc bộ FACE, Đại học Hoa Sen tổ chức với sự hỗ trợ của tổ chức Hướng tới minh bạch (TT).
Cuộc thi tìm kiếm những ý tưởng sáng tạo của thanh niên để truyền thông về liêm chính học thuật nhằm xóa bỏ gian lận trong thi cử, với một thông điệp xuyên suốt “Vì một nền giáo dục trong sạch”.
Với đề cử giải poster, giải nhất thuộc về tác phẩm minh họa một cái cây vững chãi trên nền xanh lá cùng thông điệp chính của cuộc thi. Theo Ban giám khảo, poster này được chọn bởi sự đơn giản và tính biểu tượng cao, có thể sử dụng làm biểu tượng của câu lạc bộ FACE. Poster giải nhất gửi thông điệp một cách trực tiếp và khơi gợi suy nghĩ sâu sắc hơn về liêm chính học thuật.
Trao giải đề mục giải poster
Bước lên sân khấu nhận giải cùng nhóm làm phim, Hoài Thương – đạo diễn của clip thắng cuộc cho biết cô đã mất ngủ vào ngày đầu tiên biết đến cuộc thi bởi nó nhắc cô nhớ về câu chuyện gian lận trong thi cử không thể nào quên. Cô đã gian lận để có điểm số tuyệt đối, bởi vì Thương luôn là một trong những học sinh xuất sắc nhất và cô bạn chỉ mắc lỗi rất nhỏ trong bài, không thể chỉ vì thế mà mất điểm tốt. Sau đó, cô giáo phát hiện ra và cho Thương điểm số thấp nhất mà cô từng có. Thương coi đó là hình phạt nặng nhất và đã oà khóc. Một người bạn đã đến bên cô và nói rằng: “Cô giáo làm thế chỉ để tốt cho bạn về sau mà thôi”. Lời nói của người bạn và quyết định của cô giáo là bài học mà Thương luôn mang theo bên mình.
“Tôi không biết mình sẽ trở thành người như thế nào nếu cô giáo không dạy tôi bài học phải đối mặt với sai lầm của mình” – Hoài Thương chia sẻ
Xúc động trước câu chuyện của Thương, trong bài phát biểu của mình tại buổi gala, Tiến sĩ Bùi Trân Phượng – hiệu trưởng trường Đại Học Hoa Sen chia sẻ: Cô mong được biết thêm nhiều người “mất ngủ” – những người muốn đóng góp để thay đổi những vấn đề nhức nhối từ lâu trong xã hội như gian lận trong thi cử và xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, nơi mọi người có thể thoải mái sống một cách liêm chính.
“Hành động thì không bao giờ dễ dàng như lời nói. Tôi chúc cho tất cả chúng ta có đủ sức mạnh để tiếp tục những điều chúng ta đã bắt đầu ngày hôm nay. Tôi cảm ơn vì các bạn đã đến và hy vọng sẽ được nhìn thấy nhiều sự dấn thân hơn nữa” – TS. Bùi Trân Phượng
Cuộc thi kéo dài từ ngày 14 tháng 4 tới ngày 15 tháng 6 năm 2014 với 137 người tham gia, phần lớn là học sinh và sinh viên, 27 clip và 83 poster. Con số này nhiều hơn gấp hơn 3 lần sự kì vọng của ban tổ chức khi khởi xướng cuộc thi (mục tiêu đặt ra là 10 clip và 25 poster).
>> Nhấn vào đây để đọc tin tức về cuộc thi trên báo Thanh Niên.