Họp mặt chủ đề minh bạch: Cần hợp tác và sáng tạo hơn nữa

Ninh Bình, ngày 12-13, tháng 6 năm 2014, đại diện của 17 tổ chức xã hội dân sự hoạt động tích cực trong lĩnh vực minh bạch, trách nhiệm giải trình và quản trị hiệu quả đã tham dự cuộc họp mặt đầu tiên về Chủ đề Minh bạch.

Chương trình do tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT) khởi xướng với mục đích chia sẻ, học hỏi và thảo luận về hành động tập thể để tạo ra các tác động xã hội mạnh mẽ hơn.

Lãnh đạo và đại diện của 17 tổ chức đều đồng tình rằng cần củng cố mối quan hệ tương hỗ giữa các tổ chức xã hội dân sự và giới truyền thông. Các tổ chức xã hội dân sự cần sử dụng truyền thông để tiếp cận, xây dựng niềm tin và kêu gọi sự tham gia của người dân tốt hơn.

“Các tổ chức xã hội dân sự nắm trong tay bằng chứng cơ sở, đó là nền tảng vững chắc để chúng tôi đưa tin. Chính phủ có thể bác bỏ lập luận của truyền thông khi không có bằng chứng đủ mạnh. Nhưng không một nhà hoạch định chính sách nào có thể phớt lờ tiếng nói của người dân, những người chịu tác động nhiều nhất bởi chính sách”

– Ông Phan Lợi, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Trung tâm Truyền thông Giáo dục Cộng đồng – MEC

Cuc Phuong retreat 122

Ông Phan Lợi (trước) đề cao mối quan hệ giữa các tổ chức xã hội dân sự và giới truyền thông

Khi thảo luận về các nghiên cứu khoa học như là công cụ để vận động chính sách, hầu hết người tham dự đều đồng tình với quan điểm này. Dữ liệu từ nghiên cứu chính là những bằng chứng chắc chắn, với điều kiện người làm nghiên cứu phải tiếp cận sáng tạo nhằm gây ảnh hưởng tốt hơn tới các cấp ra quyết định. Bên cạnh đó, “văn hóa tranh luận” cũng là vấn đề đáng bàn.

“Ở Việt Nam, các nhà nghiên cứu vẫn chưa cởi mở với phản biện và tranh luận xã hội về sản phẩm của họ. Nếu chúng ta muốn có những sản phẩm nghiên cứu tốt hơn, “văn hóa” này cần phải được thay đổi”.

– Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển – DEPOCEN

Muốn có được sự ủng hộ và hỗ trợ của Chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự phải thể hiện được tinh thần xây dựng, khả năng hỗ trợ và tính minh bạch, bên cạnh việc cung cấp những giải pháp thiết thực và hiệu quả.

Công tác vận động chính sách muốn thành công phải có sự nếu phối hợp, liên kết giữa chuyên gia độc lập, các viện nghiên cứu của nhà nước và giới truyền thông. Một tiếng nói đơn lẻ sẽ khó được lắng nghe nhưng hàng triệu tiếng nói được các phương tiện truyền thông ủng hộ chắc chắn sẽ thu hút được sự quan tâm.

Experienced researches gather with advocates to share their advocacy experience

Các chuyên gia nghiên cứu ngồi cùng những nhà hoạt động xã hội để chia sẻ kinh nghiệm vận động chính sách

Trong khi thảo luận các sáng kiến và dự án để tạo ra những thay đổi cụ thể, vấn đề liêm chính trong thanh niên và liêm chính học thuật đã mang lại cho người tham dự nhiều suy nghĩ và cảm xúc. Khảo sát Liêm chính trong thanh niên Việt Nam 2011 của Minh bạch Quốc tế cho thấy 72% thanh niên sẵn sàng hối lộ vì lợi ích cá nhân. Số liệu này không nhằm truyền đi cảm xúc tiêu cực trong người dân mà đặt ra yêu cầu tìm giải pháp cho vấn đề mang tính toàn cầu này.

Thanh niên là đối tượng dễ bị tổn thương bởi các nhũng nhiễu vô hình nhưng có khả năng gây ra hậu quả hữu hình. Câu chuyện về một cử nhân phải đối mặt với sự tẩy chay và gặp khó khăn khi tìm việc do bạn trẻ này trước đó đã tham gia một chiến dịch về phòng, chống tham nhũng cho thấy: các tổ chức xã hội dân sự nên đóng vai trò hướng dẫn và bảo vệ khi làm việc với thanh niên.

Cuối cùng, phần trình bày sinh động về sáng kiến Đối tác Chính phủ mở của người sáng lập TT, bà Nguyễn Thị Kiều Viễn, đã nhận được những phản hồi tích cực và ý kiến ủng hộ, cùng rất nhiều ý tưởng về bước đi tiếp theo từ tất cả thành viên tham gia. Các thành viên cũng chia sẻ quan điểm rằng Chính phủ mở là một sáng kiến cần thiết và rất thích hợp để các tổ chức xã hội dân sự của Việt Nam vận động chính sách nhằm tăng cường sự minh bạch của chính phủ.