Hành động tập thể trong kinh doanh – Công cụ phòng, chống tham nhũng đầy hứa hẹn!
Việt Nam thúc đẩy Hành động tập thể trong kinh doanh như một giải pháp chống tham nhũng và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp: Thời điểm đã chín muồi, nhưng chặng đường còn gian nan!
Ngày 12/4, trung tâm nghiên cứu Quản trị Xã hội (CENSOGOR)- đối tác của tổ chức Minh bạch Quốc tế tại Việt Nam đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo khu vực “Thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh liêm chính tại Việt Nam thông qua hành động tập thể.” Hội thảo do Đại sứ quán Đan Mạch tài trợ và được tổ chức lần đầu tại Hà Nội đã thu hút sự quan tâm của nhiều bên liên quan và các cơ quan báo chí. Tại hội thảo, những người ủng hộ, thúc đẩy và thực hiện hành động tập thể nhằm tăng cường liêm chính kinh doanh tại Việt Nam, Malaysia và Philippine đã chia sẻ kinh nghiệm, những yếu tố dẫn đến thành công cũng như thách thức.
Hai sáng kiến Hành động tập thể tại Việt Nam là Đề án 12 của VCCI và Khu công nghệ cao Thành phố HCM (SHTP) đã được trình bày và thảo luận trong hội thảo. Đề án 12 nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia phòng, chống tham nhũng thông qua các khóa tập huấn nhằm nâng cao nhận thức và áp dụng các công cụ phòng ngừa tham nhũng trong phạm vi hoạt động của doanh nghiệp. Sáng kiến SHTP đã làm rõ cách thức xây dựng một môi trường đầu tư hiệu quả, công khai và minh bạch cho các doanh nghiệp thuê trụ sở tại khu công nghệ.
Đáng chú ý là, các diễn giả từ 3 quốc gia đều nhận thấy các hành động tập thể trong liêm chính kinh doanh có những đặc điểm tương đồng: hành động tập thể trước hết giúp nâng cao năng lực canh tranh cho doanh nghiệp; đòi hỏi sự hỗ trợ và ý chí chính trị mạnh mẽ từ chính phủ (đây chính là thách thức từ trước đến nay). Ngoài ra, các công ty đa quốc gia hàng đầu thường có khả năng tham gia hành động tập thể cao hơn và thu hút nhiều công ty khác cùng tham gia (trường hợp của công ty INTEL trong sáng kiến SHTP). Mặt khác, các doanh nghiệp vừa và nhỏ dường như thận trọng và có xu hướng đợi chờ nhiều hơn. Khó khăn lớn nhất chính là làm sao để hành động tập thể được thực hiện trên thực tế chứ không chỉ dừng lại ở khâu ký kết các các cam kết kinh doanh liêm chính như một biện pháp bắt buộc.
Bất chấp những khó khăn kể trên, các diễn giả thống nhất ý kiến cho rằng hành động tập thể trong kinh doanh sẽ có cơ hội thành công cao hơn khi các công ty tự mình thực hiện, mang lại lợi ích cụ thể cho doanh nghiệp và do chính các doanh nghiệp tự mình duy trì các hành động này. Do vậy, cần phải có 1 chiến lược dài hạn và các hành động cụ thể được thực hiện bởi tất cả các bên liên quan.
Chính phủ không thể tự mình chống tham nhũng. Khu vực tư cần tham gia và làm phần việc của mình, nếu không chúng ta sẽ trở thành một quốc gia chỉ tay năm ngón và không thể tạo nên các thay đổi đột phá. Thay đổi thực chất đòi hỏi sự cam kết và hành động tập thể và sự tham gia của tất cả mọi người.
Gregorio S. Navarro, Chủ tịch, Sáng kiến Liêm chính (Philippine)