Giảm thiểu tác động của tham nhũng đối với việc thực hiện quyền con người trong Kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện các khuyến nghị theo UPR (chu kỳ 2)

Bản đóng góp ý kiến về Kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện các khuyến nghị theo
Cơ chế Rà soát Định kỳ Phổ quát (chu kỳ 2) của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc

Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT), cơ quan đầu mối quốc gia của Minh bạch Quốc tế (TI) tại Việt Nam hân hạnh đệ trình lên Chính phủ Việt Nam một số ý kiến đóng góp về Kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện các khuyến nghị theo Cơ chế Rà soát Định kỳ Phổ quát- UPR (chu kỳ 2) của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.

TT hoan nghênh những thành tựu mà Chính phủ đã đạt được liên quan tới vấn đề quyền con người trong những năm qua cũng như các nỗ lực của Chính phủ trong việc xây dựng Kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện các khuyến nghị UPR.

TT cũng xin gửi lời chúc mừng tới Chính phủ về việc Việt Nam đã trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.

Trên cơ sở kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực minh bạch và phòng, chống tham nhũng, TT xin đưa ra một số khuyến nghị về Kế hoạch tổng thể của Chính phủ nhằm triển khai thực hiện các khuyến nghị UPR như sau:

  1. Kế hoạch tổng thể cần ghi nhận mối liên hệ giữa tham nhũng và quyền con người cũng như tác động của tham nhũng tới việc bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người.

Theo Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, ‘tham nhũng là trở ngại lớn đối với việc hiện thực hoá tất cả các quyền con người.’[1]

Nhiều nghiên cứu, trong đó có nghiên cứu do TT và TI thực hiện, đã chỉ ra rằng tham nhũng là một rào cản đối với việc đảm bảo công bằng trong tiếp cận y tế, giáo dục, nước sạch hay tư pháp[2].

Đặc biệt, nhìn từ góc độ quyền con người, tham nhũng là tác nhân gây ra những ảnh hưởng sâu sắc đối với phụ nữ, trẻ em, các nhóm thiểu số, các cộng đồng người bản địa, lao động nhập cư, người khuyết tật, người có HIV/AIDS và người nghèo[3].

Để đảm bảo việc thực hiện hiệu quả các cam kết liên quan tới nhóm yếu thế trong Kế hoạch tổng thể của Chính phủ, các cam kết này cần đi kèm những hoạt động cụ thể để giảm thiểu tác động của tham nhũng đối với việc thực hiện các quyền con người.

  1. Kế hoạch tổng thể cần thể hiện sự lồng ghép và gắn kết với Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2020. Chiến lược này là nền tảng của các nỗ lực phòng, chống tham nhũng của Chính phủ, vì vậy, cần được lồng ghép vào Kế hoạch hành động của Chính phủ về quyền con người.
  1. Chính phủ nên xem xét:
  • Tạo ra một cơ chế trao đổi thông tin giữa các cơ quan phòng, chống tham nhũng và các cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện và giám sát Kế hoạch tổng thể.
  • Tiến hành đánh giá định kì và báo cáo về tác động của tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng đối với việc thực hiện quyền con người. Đây là cơ hội để Chính phủ cho thấy những tác động tích cực của các nỗ lực phòng, chống tham nhũng trên các lĩnh vực như y tế, giáo dục hay tư pháp.
  • Xây dựng các hoạt động cụ thể hơn, với khung thời gian thực hiện và tiêu chí cụ thể để giám sát tiến độ và đánh giá kết quả của việc thực hiện Kế hoạch tổng thể, theo như khuyến nghị của nhiều tổ chức tham gia vào quá trình tham vấn.

Trong khả năng của mình, TT hân hạnh và sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ trong việc triển khai thực hiện những khuyến nghị này cũng như tiếp tục tham gia đóng góp vào các nỗ lực quốc gia về phòng, chống tham nhũng và đảm bảo, thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam.

[1] United Nations OHCHR, Human rights and anti-corruption, http://www.ohchr.org/EN/Issues/Development/GoodGovernance/Pages/AntiCorruption.aspx, truy cập ngày 21 tháng 8 năm 2015.

[2] Transparency International, 2007, Global Corruption Report 2007: Corruption in Judicial Systems, Cambridge University Press, Cambridge; Transparency International, 2008, Global Corruption Report 2008: Corruption in the Water Sector, Cambridge University Press, Cambridge; Hướng tới Minh bạch/ Minh bạch Quốc tế, 2011, Vì một nền Y tế minh bạch và chất lượng, Hà Nội; Transparency International, 2013, Global Corruption Report: Education, Routledge, Oxon; Hướng tới Minh bạch, 2011, Hình thức và Hậu quả tham nhũng trong ngành Giáo dục ở Việt Nam, Hà Nội.

[3] International Council on Human Rights Policy, 2009, Corruption and Human Rights: Making the Connection, Geneva, p. 7.