Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam kêu gọi tăng cường Minh bạch và Tiếp cận thông tin trong khu vực kinh doanh

Ngày 9 tháng 6 năm 2015. Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT) ghi nhận những ý kiến đóng góp quan trọng của các đại biểu tham gia cuộc họp giữa kì 2015 của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam tại Hà Nội, với chủ đề Nâng cao năng lực cạnh tranh của Doanh nghiệp để hội nhập quốc tế.

Tại diễn đàn, các đại diện cấp cao của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp đồng thuận về việc cần tiếp tục theo đuổi các chiến lược để giảm dần và tiến tới xóa bỏ tham nhũng tại Việt Nam.

TT ủng hộ các nỗ lực của Chính phủ trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, đồng thời hy vọng sự hợp tác và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước và khu vực tư nhân sẽ ngày càng hiệu quả hơn.

“Hoàn thiện nền kinh tế thị trường và tập trung cải cách các thủ tục hành chính để tăng cường tính minh bạch và ngăn ngừa tham nhũng.”

Trích phát biểu của Thủ tướng Chính phủ, Ngài Nguyễn Tấn Dũng về mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu của Chính phủ Việt Nam trong năm 2015.

Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) phát biểu “giờ là lúc [Việt Nam] giải quyết vấn đề thiếu minh bạch trên quy mô lớn hơn, thông qua việc triển khai các hệ thống loại trừ cơ hội thanh toán bất hợp pháp, cũng như áp dụng các đạo luật tương tự Đạo Luật chống tham nhũng tại nước ngoài của Hoa Kỳ (FCPA) hay Đạo luật chống hối lộ của Vương quốc Anh (U.K.Bribery Act). Cần có một bước tiến quan trọng đó là triển khai các hành động để hạn chế việc sử dụng các khoản thanh toán bằng tiền mặt và giao dịch thanh toán trực tiếp, và đẩy mạnh sử dụng thương mại điện tử (e-Commerce) ở Việt Nam”. Ngoài ra, “trong quá trình tạo thuận lợi cho kinh doanh và một sân chơi bình đẳng, những giải thích và áp dụng thiếu nhất quán các quy định pháp lý, và những quy định không rõ ràng vẫn đặt ra các thách thức to lớn.”

Hai nhóm công tác Ngân hàng và Thị trường vốn VBF đều đề cập đến sự cần thiết trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong ngành ngân hàng để giảm thanh toán tiền mặt, nâng cao tính minh bạch, cải thiện nghiệp vụ kế toán của Chính phủ và phòng, chống tham nhũng.

Tổng công ty Tài chính Quốc tế (IFC) cho biết: “Nhìn chung, Việt Nam cần cải thiện môi trường đầu tư của mình trên phương diện minh bạch và khả năng dự báo … và quan tâm tới mạng lưới các doanh nghiệp. Chính phủ cần huy động sự tham gia tích cực hơn của khu vực tư nhân trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách và cải cách liên quan.”

Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản kêu gọi minh bạch hóa các hạng mục kiểm tra của công an, cục vệ sinh an toàn thực phẩm, và quy hoạch tổng thể phát triển ngành đối với ngành chế biến thực phẩm.

Ngân hàng Thế giới khẳng định: quyết tâm của Chính phủ trong việc chống tham nhũng vẫn là một vấn đề cần được ưu tiên.

Khi thảo luận về vấn đề cho thi hành và công nhận các phán quyết trọng tài, nhóm Đầu tư và Thương mại VBF khuyến nghị cần có sự minh bạch hơn trong hệ thống. Nên có thông tin công khai về số lượng và nội dung các vụ việc được nộp đơn đề nghị công nhận và cho thi hành về mặt tư pháp. Kết quả của các đơn đề nghị này nên được công bố cùng với lý lẽ về tư pháp.

“Doanh nghiệp vẫn đang gặp phải một số khó khăn trong năm 2014. Cụ thể: mức độ minh bạch trong việc tiếp cận các tài liệu pháp lý từ cơ quan chính quyền còn thấp; khó khăn trong việc dự đoán những thay đổi, điều chỉnh pháp luật của các cơ quan quản lý nhà nước; việc thực thi pháp luật còn chưa dễ dàng cho doanh nghiệp; doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện thủ tục hành chính; và có sự quay trở lại tư duy quản lý cũ trong một số lĩnh vực, với xu hướng siết chặt lại điều kiện gia nhập thị trường khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn”.

Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc.

VCCI bình luận cụ thể về ngành công nghiệp khai thác “Để đảm bạo tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp, Chính phủ cần tăng cường minh bạch hóa thông tin liên quan đến cấp phép hoạt động khoáng sản, các đóng góp của doanh nghiệp và tình hình sử dụng … đề nghị Chính phủ sớm thực thi sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai thác (EITI). Theo nguyên tắc của sáng kiến này, Chính phủ và doanh nghiệp cùng công khai các thông tin liên quan đến cấp phép, các khoản đóng góp của doanh nghiệp và tình hìn sử dụng. Nhờ đó, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin hơn trong quá trình xây dựng và triển khai dự án ”

Kết luận, các đại biểu tham dự đều kêu gọi tăng cường tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin.

Chúng tôi tin rằng hai nguyên tắc này rất quan trọng đối với công cuộc hiện đại hóa và phát triển của khu vực doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.  Việc áp dụng thành công hai nguyên tắc cốt lõi này sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam để tận dụng lợi ích các hiệp định thương mại quốc tế mang lại. Chúng tôi kêu gọi Chính phủ ưu tiên hợp tác với cộng đồng doanh nghiệp để thống nhất về chiến lược phòng, chống tham nhũng và giúp các doanh nghiệp thực sự cạnh tranh trong thị trường hội nhập toàn cầu./.