Đẩy mạnh vai trò và sự tham gia của các tổ chức xã hội trong phòng, chống tham nhũng

Tọa đàm thảo luận, góp ý các quy định liên quan trong Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)  

Sáng ngày 10/05/2018 tại Hà Nội, Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT) – Cơ quan đầu mối quốc gia của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) tại Việt Nam và Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân (PPWG) tổ chức tọa đàm về “Vai trò và sự tham gia của các tổ chức xã hội trong phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam”. Sự kiện đã thu hút hơn 70 khách mời đến từ các tổ chức xã hội (TCXH), báo chí, các nhà nghiên cứu, chuyên gia và một số cơ quan nhà nước tham gia góp ý nhằm hoàn thiện Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) về vấn đề nói trên, đặc biệt là trong bối cảnh Chính phủ và Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đang gấp rút khẩn trương hoàn thiện Dự thảo.

Toạ đàm thu hút sự tham gia đông đảo của nhiều bên: các tổ chức xã hội, báo chí, các nhà nghiên cứu, chuyên gia và đại diện một số cơ quan nhà nước

Trong bài phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Thị Kiều Viễn – Giám đốc điều hành Tổ chức Hướng tới Minh bạch cho biết, Việt Nam với tư cách thành viên của Công ước Liên Hiệp Quốc về Chống tham nhũng (UNCAC) từ năm 2009, đang nỗ lực trong việc nội luật hóa Điều 13 của UNCAC. Theo đó, trách nhiệm của chính phủ các quốc gia thành viên bao gồm các hành động thúc đẩy và đảm bảo sự tham gia của các tổ chức và cá nhân ngoài khu vực nhà nước trong PCTN.

Trong phần trình bày đầu tiên, Ông Nguyễn Tuấn Khanh – Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra, Thanh tra Chính phủ đồng thời là thành viên của Tổ biên tập đã trình bày quan điểm của Đảng và Nhà nước trong việc huy động sự tham gia của xã hội vào PCTN, cụ thể là phát huy vai trò giám sát của xã hội. Ông Khanh cũng nhấn mạnh nội dung liên quan đến trách nhiệm của TCXH không sử dụng ngân sách nhà nước trong PCTN, bao gồm: (1) thực hiện các biện pháp phát hiện, phòng ngừa tham nhũng; (2) công khai các khoản đóng góp của hội viên, các khoản tài trợ; và (3) trong trường hợp phát hiện sai phạm cần xử lý theo điều lệ tổ chức hoặc thông báo với các cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý trong trường hợp nghiêm trọng hoặc có dấu hiệu hình sự.

Tiếp đến, chia sẻ về vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Nguyễn Quang Minh – Trưởng Ban Dân chủ Pháp luật đã tóm lược những thành tựu của Mặt trận Tổ quốc trong PCTN cũng như những nỗ lực của cơ quan này trong việc thúc đẩy, phát huy sự tham gia của báo chí và quần chúng nhân dân. Ông Minh chia sẻ, mặc dù đã và đang gặt hái được nhiều kết quả khả quan nhưng vẫn còn nhiều thách thức, hạn chế cần khắc phục, ví dụ MTTQ và các tổ chức thành viên trong những năm qua chủ yếu đóng vai trò “tham gia” và “hưởng ứng” mà chưa thực sự là một chủ thể độc lập, có tiếng nói độc lập trong các hoạt động PCTN.

Xuất phát từ góc nhìn pháp lý, Luật sư Lê Nguyễn Duy Hậu – chuyên viên tư vấn độc lập của Tổ chức Hướng tới Minh Bạch đã đưa ra bình luận chuyên sâu về vai trò và trách nhiệm của TCXH không sử dụng ngân sách nhà nước trong Dự thảo lần này. Theo ông Hậu, hiện có một số hạn chế cần giải quyết trong Dự thảo. Cụ thể, Dự thảo chưa đưa ra định nghĩa rõ ràng về “tổ chức xã hội” khiến nhiều tổ chức hoang mang về việc có hay không là đối tượng điều chỉnh của Dự thảo. Bên cạnh đó, khi so sánh với Công ước Liên Hiệp Quốc về Chống Tham nhũng (UNCAC), ông Hậu chỉ ra rằng UNCAC nhấn mạnh “sự tham gia chủ động” của TCXH trong khi Dự thảo lại quy định sự tham gia này một cách “thụ động” và chỉ gói gọn trong trách nhiệm phòng ngừa tham nhũng nội bộ. Đáng chú ý, Dự thảo đang đặt nặng trách nhiệm của TCXH, bao gồm việc “công khai các khoản đóng góp của hội viên, các khoản huy động, tài trợ và việc quản lý, sử dụng các khoản đó” hoặc nghĩa vụ “minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ trong các TCXH từ thiện hay quỹ xã hội, quỹ từ thiện”. Các quy định này nếu có hiệu lực có thể tạo ra gánh nặng cho các TCXH, đặc biệt những tổ chức từ thiện hoặc tổ chức có quy mô nhỏ, đồng thời tính khả thi của việc áp dụng Luật này sẽ là một thách thức. Ngoài ra, quy định về cơ chế thúc đẩy, hỗ trợ TCXH (ví dụ: tiếp cận thông tin, bảo vệ các TCXH tố cáo tham nhũng) trong PCTN tại Dự thảo cũng chưa được làm rõ.

Từ trái qua phải: Bà Nguyễn Thị Kiều Viễn – Giám đốc điều hành Tổ chức Hướng tới Minh bạch; Ông Nguyễn Quang Minh – Trưởng Ban Dân chủ Pháp luật, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Ông Nguyễn Tuấn Khanh – Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra, Thanh tra Chính phủ; Luật sư Lê Nguyễn Duy Hậu – chuyên viên tư vấn độc lập của Tổ chức Hướng tới Minh Bạch

Tại Tọa đàm, đại diện các TCXH, các chuyên gia đã có dịp trao đổi và đặt câu hỏi với thành viên Tổ biên tập trên tinh thần xây dựng, chia sẻ quan điểm cũng như đưa ra những gợi ý thiết thực để góp ý cho Dự thảo. Thông qua phần thảo luận nhóm, đa số các đại biểu nhất trí về một số đề xuất quan trọng để gửi đến Ban soạn thảo như sau:

(1) Dự thảo cần đưa ra một định nghĩa rõ ràng về “tổ chức xã hội”;

(2) Dự thảo cần quy định vai trò “chủ động” và “mở rộng hơn” cho TCXH trong PCTN;

(3) Dự thảo cần quy định theo hướng “khuyến khích” thay vì bắt buộc các tổ chức (đặc biệt các tổ chức cộng đồng, quy mô nhỏ) áp dụng các biện pháp phòng ngừa tham nhũng nội bộ, công khai nguồn vốn góp hoặc trách nhiệm của người có chức vụ trong TCXH thường xuyên huy động vốn góp từ người dân để làm từ thiện.

(4) Dự thảo cần đưa ra các quy định cụ thể hơn về cơ chế thúc đẩy, hỗ trợ các TCXH trong PCTN.   

Trong phần tổng kết Tọa đàm, ông Lê Quang Bình – chủ tịch PPWG đã điểm lại những nội dung cơ bản được thảo luận sôi nổi, thấu đáo bởi các đại biểu. Ông Bình cũng cho biết, Ban tổ chức sẽ tổng hợp các ý kiến thành một bản kiến nghị hoàn chỉnh để gửi đến Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan trong thời gian sắp tới. Những ý kiến đóng góp của các TCXH tại Tọa đàm hứa hẹn sẽ là cơ sở để hoàn thiện Dự thảo theo hướng phù hợp hơn với UNCAC và điều kiện thực tế của các TCXH ở Việt Nam.

Để tham khảo bản kiến nghị nói trên, quý vị có thể liên hệ với ông Đỗ Thế Anh – Cán bộ Dự án Luật và Chính sách, Tổ chức Hướng tới Minh Bạch theo địa chỉ [email protected].