Chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội dân sự hợp tác xây dựng hệ thống đấu thầu điện tử giúp Ukraina tiết kiệm hàng tỉ đô-la mỗi năm

ProZorro là tên gọi của sáng kiến đấu thầu điện tử nhằm thay đổi thực trạng tham nhũng trong hoạt động mua sắm công tại Ukraina. Bắt đầu từ năm 2014, sáng kiến ProZorro đã giúp Chính phủ Ukraina tiết kiệm được hàng trăm triệu đô-la (*) nhờ vào sự minh bạch, gia tăng khả năng cạnh tranh và tính bình đẳng giữa các nhà thầu trong lĩnh vực mua sắm công. ProZorro ra đời nhờ vào sự hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ, các tổ chức xã hội và doanh nghiệp.

Tại Hội nghị thượng đỉnh về Sáng kiến Đối tác Chính phủ Mở lần thứ 4 tổ chức tại Paris vào ngày 7 tháng 12 năm 2016, ProZorro đã được trao giải thưởng cao quý toàn cầu về Chính phủ Mở (Open Government Global Awards) 2016 (**) – giải thưởng vinh danh các sáng kiến của xã hội trong việc sử dụng dữ liệu của Chính phủ để tạo ra những lợi ích thiết thực. Trước đó, ProZorro đã nhận giải thưởng Mua sắm Thế giới (World Procurement) 2016 và được Sáng kiến Hợp đồng Mở (Open Contracting Partnership) tôn vinh là ví dụ điển hình về mô hình điện tử hoá hoạt động mua sắm công.

Nhân cơ hội này, Bà Nguyễn Thị Kiều Viễn, Giám đốc Điều hành của tổ chức Hướng tới Minh bạch – Cơ quan đầu mối quốc gia của Minh bạch Quốc tế (TI) tại Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với ông Viktor Nestulia – Giám đốc Chương trình Sáng kiến của tổ chức Minh bạch Quốc tế tại Ukraina (TI-Ukraina) – nguyên là cơ quan chủ trì dự án ProZorro, về cả thành công và thách thức mà họ đã từng đối mặt.

Kiều Viễn: Chào Viktor! Chúc mừng ProZorro đã nhận giải thưởng Sáng kiến Toàn cầu về Chính phủ Mở 2016. Anh có thể chia sẻ những thành công quan trọng nhất của dự án tính đến thời điểm này không?

 

 

Viktor: Cảm ơn chị! Nhờ vào thành công của ProZorro, kể từ tháng 8 năm 2016, tất cả các đơn vị mời thầu đều phải sử dụng phương thức đấu thầu điện tử cho mọi hoạt động mua sắm tại Ukraina. Các nhà thầu dù có tham gia với mức đề nghị ngân sách nào cũng sẽ được đảm bảo quyền cạnh tranh công bằng. Tôi cho rằng đây chính là thành tựu đầu tiên và quan trọng nhất sau khoảng thời gian 2 năm thực hiện sáng kiến.

Thứ hai là khả năng tiết kiệm chi phí của ProZorro: từ ngày khởi động chương trình, ProZorro đã giúp Chính phủ tiết kiệm gần 300 triệu đô-la. Với khả năng tiết kiệm chi phí tương đương với 10%- 12% tổng giá trị của ngân sách quốc gia dành cho mua sắm (tại Ukraina là khoảng 11 tỉ đô la mỗi năm), chúng tôi dự kiến ProZorro sẽ giúp tiết kiệm được một tỉ đô-la trong năm 2017.

Theo báo cáo, hàng năm Ukraina chịu thiệt hại 10% tổng ngân sách trong hoạt động mua sắm công vì tham nhũng và 10% vì thiếu tính cạnh tranh. Với ngân sách cho mua sắm công của Ukraina hiện giờ ước tính vào khoảng 11.4 tỉ đô-la mỗi năm và mỗi ngày ước tính ProZorro giúp tiết kiệm được hơn 2.8 triệu đô-la kể từ khi đi vào hoạt động, tiềm năng lợi ích kinh tế từ sáng kiến cải cách mua sắm công này có thể đạt mức 2.2 tỉ đô-la mỗi năm.

Kiều Viễn: Vậy, đặc điểm quan trọng nhất làm nên thành công ấn tượng của ProZorro là gì?

Viktor: Quan trọng nhất, ProZorro là mô hình siêu liên kết, nghĩa là chỉ có một trung tâm dữ liệu duy nhất kết nối tất cả người dùng tới các thị trường nơi quá trình mua sắm thực sự diễn ra. Đặc điểm này giúp việc phân tích và kiểm soát trở nên dễ dàng hơn, giúp gia tăng chất lượng và tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp.

Về khả năng kiểm soát, chúng tôi đảm bảo việc xã hội và người dân tham gia giám sát tính minh bạch của tất cả các quá trình mua sắm bằng cách cung cấp cho họ khả năng truy cập toàn phần tới tất cả thông tin được đăng tải trên ProZorro và các công cụ tiện lợi để những người quan tâm có thể tìm hiểu xem Chính phủ đang sử dụng tiền thuế của họ như thế nào. Chúng tôi đã tạo ra những công cụ giám sát (xem thêm tại bi.prozorro.org/en) bao gồm thông tin công khai về các nhà thầu, cơ quan thực hiện mua sắm, những người tham gia, đơn từ khiếu nại, các bản tóm tắt hợp đồng và tất cả những văn bản được người dùng đăng tải lên trên web.

Hệ thống đấu thầu điện tử ProZorro không che giấu bất kỳ thông tin nào, người dùng có thể xem tất cả dữ liệu sẵn có, bản thân hệ thống này cũng được xây dựng trên mã nguồn mở (Open Data).

Kiều Viễn: Quay trở lại từ những ngày đầu của dự án, anh có thể chia sẻ những thách thức lớn nhất mà dự án gặp phải?

Viktor: ProZorro xuất phát từ ý tưởng của một nhóm tình nguyện viên bao gồm đại diện đến từ các cơ quan chính phủ, các tổ chức xã hội và doanh nghiệp. Vì vậy, một trong những thách thức lớn nhất là làm thế nào để một nhóm với đa thành phần như vậy có thể đạt được đồng thuận tại những cột mốc quan trọng của dự án. Điều này đòi hỏi phải có khả năng điều phối và quản lý mâu thuẫn rất tốt.

Thách thức thứ hai là việc Ukraina rất thiếu kiến thức chuyên môn về mua sắm công. Trước khi dự án này bắt đầu, bạn khó có thể tìm được một chuyên gia được đào tạo bài bản về mua sắm trong các cơ quan nhà nước. Để khắc phục hạn chế này, chúng tôi đã thành lập một nhóm chuyên đào tạo cho tất cả các cơ quan chịu trách nhiệm mua sắm trong nước và đây là hoạt động nhất định phải có trong chương trình phát triển của ProZorro trong tương lai.

Thách thức thứ ba là việc xây dựng niềm tin. Làm thế nào để đảm bảo rằng, sau khi ra đời đạo luật về mua sắm của Ukraina (mặc dù đã thể hiện những tiến bộ nhất định), thì doanh nghiệp và người dân có thể tin tưởng 100% vào việc thực thi pháp luật nghiêm minh? Câu trả lời là cần tạo điều kiện để các tổ chức xã hội tham gia giám sát độc lập đối để giảm thiểu những hành vi sai phạm do các cơ quan chính phủ hoặc các nhà cung cấp gây ra.

Kiều Viễn: Nếu một nước muốn áp dụng mô hình ProZorro, ba lời khuyên quan trọng nhất mà anh muốn nhắn gửi tới họ là gì?

Vicktor: Trước tiên, bạn cần có một nhóm với các thành viên đầy quyết tâm, chia sẻ giá trị minh bạch và có chung một giấc mơ. Chính chúng tôi cũng đã trải qua những thời điểm đầy khó khăn và đối mặt với nhiều trở ngại, nhưng sau cùng, chúng tôi đã vượt qua tất cả nhờ vào sự kiên trì và quyết tâm của cả nhóm.

Thứ hai, bạn cần xây dựng quan hệ hợp tác chặt chẽ với chính phủ, các tổ chức xã hội và doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp là đối tượng có khả năng hỗ trợ tài chính và chuyên môn về công nghệ thông tin cho dự án. Cần phải đảm bảo sự minh bạch tối đa trong mối quan hệ hợp tác này để tất cả các bên liên quan có thể bày tỏ ý tưởng của họ một cách cởi mở mà không cần phải che giấu giếm vấn đề gì cả.

Cuối cùng, bạn cần kiên trì và nhẫn nại. Hãy làm từng bước một và đừng cố gắng theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo. Hãy tập trung làm từng việc một và gặt hái thành công để cho mọi người thấy được kết quả cụ thể. Mỗi ngày, bạn phải chắc chắn rằng mình đang bước từng bước vững chắc tiến tới mục tiêu cuối cùng. Mỗi chiến thắng nhỏ trên cả hành trình có ý nghĩa vô cùng to lớn!

Để tìm hiểu thêm thông tin về ProZorro, hãy truy cập: https://prozorro.gov.ua/en/

(*) Tiền tệ được sử dụng trong bài viết này là đồng đô-la Mỹ.

(**) http://www.opengovpartnership.org/blog/ogp-support-unit/2016/12/07/making-transparency-count-open-government-awards