Đảm bảo quyền và lợi ích cho người dân vùng trồng rừng
Sự tham gia của người dân đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong các chương trình lâm nghiệp và quá trình xây dựng và triển khai REDD+. Tuy nhiên, trên thực tế, người dân chưa được chủ động tiếp cận các chương trình này cũng như chưa hiểu biết đầy đủ về trách nhiệm và quyền lợi của mình. Chương trình tập huấn hai ngày “Giám sát việc thực hiện các chương trình lâm nghiệp” tại Bản Lâm Ninh, Xã Trường Xuân, Huyện Quảng Ninh là cơ hội để người dân hiểu hơn vấn đề và có thể nói ra tiếng nói của mình.
Sử dụng các công cụ thực tế và hiệu quả
Ngày đầu tiên, người dân Lâm Ninh được học các khái niệm về giám sát, các chương trình lâm nghiệp và những vấn đề cần giám sát trong lĩnh vực này. Từ đó, họ hiểu được ý nghĩa của các công cụ giám sát do tổ chức Hướng tới Minh bạch và Minh bạch Quốc tế đề xuất nhằm giúp giải quyết các nguy cơ thiếu minh bạch có thể xảy ra khi người dân không nhận được đủ trợ cấp cho việc trồng rừng và bảo vệ rừng, không có thông tin chính xác về diện tích rừng được phân công bảo vệ, thanh toán không đúng hạn…
Ngày thứ hai, người dân được chia thành các nhóm để thực hành chấm điểm việc thực hiện các chương trình trồng rừng và bảo vệ rừng, sử dụng công cụ Thẻ cho điểm cộng đồng (CSC).
Đại diện các nhóm hào hứng trình bày kết quả thảo luận của nhóm mình.
Tham dự khoá tập huấn hầu hết là người dân tộc thiểu số Vân Kiều, họ sống tại miền rừng núi và không thông thạo tiếng phổ thông. Tuy nhiên, với những công cụ rất đơn giản và hiệu quả được giới thiệu, họ vẫn nắm rõ được cách giám sát việc thực hiện các chương trình lâm nghiệp.
“Trước dân chưa từng biết. Giờ biết thì dân sẽ không thiệt nữa rồi.”
Hồ Thị Ly, một người dân vùng rừng tại bản Lâm Ninh.
Sự tham gia của người dân địa phương trong các chương trình giám sát rừng không chỉ góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên quốc gia mà còn có ý nghĩa kinh tế và xã hội đối với cộng đồng người dân vùng trồng rừng. Theo người dân Lâm Ninh, phụ cấp từ chính sách của nhà nước cho mỗi hộ dân để trồng rừng và bảo vệ rừng đủ để trang trải cuộc sống hàng ngày của họ. Với những chương trình tập huấn như thế này, người dân có thể tự sử dụng công cụ giám sát và trực triếp đảm bảo quyền lợi của bản thân, điều có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với mỗi cá nhân và gia đình của họ.
Hướng tới hiệu quả lâu dài
Với chủ đề “Tăng cường sự tham gia của người dân và các bên liên quan trong quản trị và giám sát quá trình thực hiện kế hoạch lâm nghiệp về phát triển rừng và quản trị REDD+”, buổi tập huấn nằm trong khuôn khổ dự án “Quản trị và Minh bạch tài chính REDD+” (RGFI) được thực hiện và điều phối bởi Quỹ phát triển nông thôn và giảm nghèo Quảng Bình (RDPR), Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) Hướng tới Minh bạch (TT) tại huyện Quảng Ninh – Tỉnh Quảng Bình.
Mục tiêu của hoạt động dự án này là đào tạo cho các tập huấn viên. Đội ngũ tập huấn viên này sẽ đảm bảo các kết quả dự án đạt được sẽ được duy trì, đảm bảo tính bền vững và sẽ có nhiều người dân được hưởng lợi hơn ngay cả khi có những hạn chế về các nguồn lực khác.