Các nguyên tắc của Chính phủ Mở sẽ giúp Việt Nam thực hiện hiệu quả các Mục tiêu Phát triển bền vững – SDGs

Hà Nội, ngày 21 tháng 2 năm 2019. Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT), Cơ quan đầu mối quốc gia của tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) tại Việt Nam công bố kết quả nghiên cứu “Đối tác Chính phủ Mở có thể hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững”. Hội thảo do bà Nguyễn Thị Kiều Viễn, Giám đốc Điều hành Tổ chức Hướng tới Minh bạch, và Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Thành viên Ban cố vấn của Tổ chức Hướng tới Minh bạch đồng chủ trì. Hội thảo thu hút sự tham dự của đông đảo đại biểu đến từ các bộ, ngành, các cơ quan chính phủ, cơ quan Liên hợp quốc, các Đại sứ quán, các đơn vị báo chí, học thuật, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức cộng đồng và các cơ quan phát triển quốc tế tại Việt Nam.

Đối tác Chính phủ mở (Open Government Partnership – OGP) là sáng kiến quốc tế nổi bật nhất hiện nay nhằm đảm bảo cam kết của Chính phủ đối với việc thúc đẩy minh bạch, trách nhiệm giải trình, sự tham gia của người dân vào hoạt động quản lý nhà nước. Hiện nay đã có 79 quốc gia và 20 chính quyền địa phương tham gia làm thành viên của sáng kiến. Trong khuôn khổ dự án do Bộ ngoại giao vương quốc Bỉ và Đại sứ quán Đan Mạch đồng tài trợ, Nghiên cứu do Tổ chức Hướng tới Minh bạch thực hiện đã chỉ ra rằng với các nguyên tắc ‘công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, hỗ trợ sự tham gia của người dân, khai thác thế mạnh của công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý nhà nước’, OGP là một cơ chế hữu ích giúp Việt Nam thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) mà Việt Nam đang gặp nhiều thách thức.

Hội thảo được khai mạc bởi bà Nguyễn Thị Kiều Viễn – Giám đốc điều hành Tổ chức Hướng tới Minh bạch và ông Paul JANSEN – Đại sứ Vương quốc Bỉ tại Việt Nam. Trong bài diễn văn khai mạc của mình, bà Nguyễn Thị Kiều Viễn nhận định “Mặc dù Việt Nam hiện chưa phải là thành viên của OGP (vì cần đáp ứng tiêu chí thành viên), nhưng các nguyên tắc của OGP (công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, sự tham gia của người dân) đều là những nội dung mà Đảng và Nhà nước đang làm và muốn làm. Ví dụ, thời gian gần đây, Việt Nam đang củng cố và hoàn thiện khung pháp lý về phòng, chống tham nhũng, thúc đẩy chính phủ điện tử, cải cách hành chính, v.v.”. Đây cũng chính là một trong những kết quả của báo cáo nghiên cứu.

Phần thảo luận của Hội thảo thu hút sự quan tâm của các đại biểu tham dự với nội dung trình bày của những diễn giả uy tín. Trong đó, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Chuyên gia kinh tế cao cấp, nguyên Thành viên Uỷ ban Chính sách phát triển của Liên hợp quốc đã trình bày về chủ đề “Chính phủ mở tạo ra các cơ hội đầu tư kinh doanh tại Việt Nam”.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Caitlin Wiesen, Chủ tịch Nhóm Kết quả Quản trị công của Liên Hợp quốc và Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cho biết: “Liên hợp quốc khuyến khích Việt Nam trở thành thành viên Đối tác Chính phủ mở và tiếp tục thực hiện Mục tiêu 16 nhằm xây dựng chính phủ trong sạch, bao trùm, cởi mở, có trách nhiệm, phản ứng nhanh và minh bạch cho mọi người dân Việt Nam“. Bà cũng cho biết vào ngày 28 tháng 2 tới, Tổng giám đốc UNDP toàn cầu sẽ ký Biên bản ghi nhớ với Đối tác Chính phủ mở về 6 lĩnh vực hợp tác trọng tâm.

Hội thảo kết thúc với phần kết luận của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, trong đó nhấn mạnh “Nếu Việt Nam áp dụng nghiêm túc và hiệu quả các nguyên tắc của OGP trong quá trình thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững, tôi cho rằng chất lượng quản trị nhà nước và thể chế của Việt Nam sẽ được cải thiện, từ đó huy động được nguồn lực và sự tham gia tích cực của nhiều chủ thể trong xã hội góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.”

Các nguyên tắc của Sáng kiến Đối tác chính phủ mở- OGP rất phù hợp với các chính sách và quy định pháp luật của Việt Nam về quản lý nhà nước, đồng thời là cơ chế hiệu quả để thúc đẩy quản trị tốt, và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Báo cáo khuyến nghị, các kế hoạch hành động của Việt nam thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 cần lồng ghép các nguyên tắc của OGP để có thể thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững -SDGs của Việt Nam.

Nghiên cứu do tổ chức Hướng tới Minh bạch khởi xướng, chỉ đạo và điều phối kỹ thuật dưới sự thực hiện của một nhóm chuyên gia độc lập. Báo cáo nhằm mục đích cung cấp thông tin cho Chính phủ và các bên liên quan về tiềm năng cũng như lợi ích của việc áp dụng các nguyên tắc của OGP đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Nội dung đầy đủ của báo cáo nghiên cứu, đề nghị tham khảo tại ĐÂY