Các công ty tại thị trường mới nổi thể hiện mức độ minh bạch thấp

Các công ty tại thị trường mới nổi thể hiện mức độ minh bạch thấp, khiến tham nhũng tiếp tục hoành hành

75% công ty trong báo cáo của Tổ chức Minh bạch Quốc tế chỉ đạt dưới 5/10 điểm khi được đánh giá về minh bạch

Béc-lin, 11 tháng 7 năm 2016 – Đa số các công ty lớn nhất đang hoạt động tại các thị trường mới nổi chưa thực hiện minh bạch và tiếp tục tạo môi trường thuận lợi cho tham nhũng diễn ra trong công ty của họ cũng như tại quốc gia mà họ hoạt động. Báo cáo mới nhất của Tổ chức Minh bạch Quốc tế cho thấy những công ty lớn đa quốc gia phải hành động nhiều hơn nữa để ngăn chặn tham nhũng.

Theo báo cáo “Minh bạch trong Công bố thông tin của Doanh nghiệp: Đánh giá các công ty đa quốc gia tại thị trường mới nổi”, 100 công ty thuộc nhóm có tốc độ phát triển nhanh nhất tại 15 thị trường mới nổi và có hoạt động tại 185 quốc gia, đạt điểm trung bình là 3.4/10, trong đó 0 thể hiện mức độ minh bạch thấp nhất và 10 thể hiện mức độ cao nhất. Tổng điểm trung bình đã giảm 0.2 điểm so với kết quả khảo sát tương tự năm 2013.

“Mức độ minh bạch quá thấp của các công ty lớn tại các thị trường mới nổi đặt ra câu hỏi, rằng khu vực tư quan tâm tới việc chấm dứt tham nhũng, đói nghèo tại các quốc gia nơi họ hoạt động và giảm thiểu bất bình đẳng đến mức độ nào? Chúng ta liên tục chứng kiến bê bối tham nhũng nghiêm trọng liên quan đến các công ty đa quốc gia như Tập đoàn Odebrecht hay Công ty Xây dựng Giao thông Trung Quốc (CCCC, Ltd), gây tổn hại to lớn cho nền kinh tế địa phương. Bằng cách áp dụng đầy đủ các biện pháp minh bạch và phòng, chống tham nhũng, cộng với ý chí quyết tâm của các nhà lãnh đạo, tình trạng này hoàn toàn có thể ngăn ngừa được. Mặc dù rất nhiều doanh nghiệp tuyên bố muốn đấu tranh chống tham nhũng, nhưng chúng ta cần hành động hơn lời nói.”

Jose Ugaz, Chủ tịch Tổ chức Minh bạch Quốc tế.

75 công ty tại các quốc gia BRICS (bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) không có sự cải thiện về điểm số, họ không thể vượt qua mức điểm trung bình toàn cầu do các công ty Trung Quốc thực hiện minh bạch kém, đã kéo tụt điểm số trung bình của cả nhóm. Các công ty hoạt động tại các nước BRICS đóng góp hơn 30% vào GDP toàn cầu, và rõ ràng có nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm về hoạt động của mình.

Các công ty Trung Quốc, chiếm 1/3 tổng số công ty được đánh giá, có kết quả yếu kém nhất với số điểm trung bình là 1.6/10, và chỉ có duy nhất một công ty Trung Quốc được vào Top 25. Kết quả này một lần nữa khẳng định rằng Trung Quốc và cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc cần lập tức hành động để nâng cao tiêu chuẩn minh bạch, đặc biệt ở những nơi như Châu Phi- nơi mà Chính phủ Trung Quốc mới cam kết đầu tư 60 tỉ đô la, và có khả năng số tiền này sẽ được dùng để chi trả cho các công ty cung cấp dịch vụ của Trung Quốc.

Kết quả yếu kém của các công ty Trung Quốc bắt nguồn từ việc công ty không có chính sách và cơ chế phòng, chống tham nhũng, hoặc có chính sách nhưng chưa hiệu quả, hoặc hoàn toàn không đáp ứng được việc công khai thông tin theo thông lệ quốc tế tốt nhất. Các quy định của pháp luật đóng vai trò quan trọng, ví dụ như trường hợp Ấn Độ. Các công ty Ấn Độ có điểm trung bình cao nhất về mức độ minh bạch trong tổ chức (hơn 75%), chủ yếu là do phải tuân thủ Luật Doanh nghiệp của nước này.

Tại tất cả các thị trường mới nổi, doanh nghiệp cần hành động nhiều hơn nữa để có thể công khai thông tin toàn diện, từ đó giúp giải quyết vấn đề tham nhũng và lấy minh bạch làm cơ sở để tăng cường hệ thống quản trị và trách nhiệm giải trình.

Các chương trình phòng, chống tham nhũng mà một công ty sử dụng như một công cụ chống hối lộ và giải pháp khuyến khích nhân viên tố cáo tham nhũng mà không sợ bị trả thù cần được công khai rộng rãi trong công chúng để qua đó gửi đi một thông điệp rõ ràng đến các khách hàng của công ty rằng công ty đó không chấp nhận tham nhũng.

“Khách hàng cần yêu cầu doanh nghiệp mà họ giám sát áp dụng các tiêu chuẩn phòng, chống tham nhũng cao nhất, hoặc doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với rủi ro đánh mất công việc kinh doanh”

Jose Ugaz, Chủ tịch Tổ chức Minh bạch Quốc tế.

Doanh nghiệp cần công bố danh sách đầy đủ các chi nhánh, đơn vị liên kết, liên doanh và các thực thể khác dưới hình thức dễ tiếp cận, để các bên liên quan tại địa phương hiểu được tác động kinh tế và xã hội của hoạt động kinh doanh đa quốc gia lên xã hội và cộng đồng của họ.

Bên cạnh đó, chính phủ các nước cần xây dựng và thực thi các đạo luật chống hối lộ đủ mạnh, ví dụ như Luật chống Hối lộ của Anh và Mỹ, cũng như áp dụng các nguyên tắc báo cáo bắt buộc về các chương trình phòng, chống tham nhũng và cơ cấu tổ chức của công ty.

###

 Minh bạch Quốc tế là tổ chức xã hội dân sự toàn cầu, dẫn đầu phong trào đấu tranh chống tham nhũng

Liên hệ phỏng vấn

Chris Sanders
T: +49 30 34 38 20 666
E: [email protected]

Để cập nhật thông tin thường ngày về phòng, chống tham nhũng, hãy theo dõi chúng tôi trên:

Twitter: twitter.com/anticorruption
Facebook: facebook.com/transparencyinternational
Flickr: flickr.com/transparencyinternational
Hoặc đăng ký: www.transparency.org/getinvolved/stayinformed